Bản đồ số về an toàn thực phẩm (ATTP) giúp người dân có cái nhìn trực quan về tình hình ATTP ở nơi mình đang sống. Yêu cầu này được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP (Ban Chỉ đạo) nêu lên tại cuộc họp của Ban Chỉ đạoh sáng 13/12.
Theo báo cáo của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thì tính đến hết tháng 10/2019, toàn quốc ghi nhận 73 vụ ngộ độc thực phẩm (giảm 20 vụ) với 1950 người mắc (giảm 717 người), 1874 người đi viện (giảm 464 người) và 8 trường hợp tử vong (giảm 7 trường hợp).
Bộ Y tế phát hiện và xử phạt hành chính 49 cơ sở, chuyển cơ quan điều tra 17 vụ việc có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng giả.
Lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện 7410 vụ việc về ATTP, vi phạm pháp luật có hàng hóa là thực phẩm, khởi tố 140 vụ, phạt hành chính 43,7 tỷ đồng.
Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 1492 chuỗi, 2381 sản phẩm và 3267 điểm bán.
Việc triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 9 tỉnh, thành phố tiếp tục được đẩy mạnh, có 4387 cán bộ cấp huyện, xã được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ. Đáng chú ý, công tác truyền thông với nhiều hình thức đa dạng, kết hợp giữa tuyên truyền, hướng dẫn với răn đe đã tạo chuyển biến tích cực trong thay đổi hành vi của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Trong cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo tập trung đánh giá hiện trạng nhập lậu thực phẩm bẩn vào Việt Nam; sử dụng chất cấm trong thức ăn gia súc, thủy sản tiêu thụ trong nước; việc thay đổi thói quen ATTP ở chợ, lò mổ; quảng cáo thực phẩm chức năng, bán hàng đa cấp; công nhận các trung tâm kiểm nghiệm ATTP...
Phó Thủ tướng yêu cầu các cán bộ phải trực tiếp lấy mẫu chất cấm, kháng sinh không rõ nguồn gốc mà người dân đang sử dụng để kiểm nghiệm, xác định rõ và có biện pháp ngăn chặn ngay từ nguồn cung.
Phó Thủ tướng tiếp tục lưu ý các cán bộ ngoài việc công bố danh mục trên website, cần tích hợp địa chỉ các trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm trên bản đồ số Việt Nam (Vmap) để khi chỉ cần tra vào một làng, xã nào đó thì sẽ xuất hiện những gia đình, cơ sở đảm bảo ATTP, từ đó tạo phong trào thi đua giữa các hộ dân để đạt được chứng nhận ATTP.
Trong năm 2020, Ban Chỉ đạo sẽ hoàn thiện việc đánh giá tác động của Luật ATTP để định hướng sửa đổi Luật (nếu cần) khắc phục chồng chéo, tăng mạnh phân cấp cho địa phương. Hoạt động sản xuất thực phẩm an toàn cần được thúc đẩy mạnh mẽ, ưu tiên phát triển chuyên canh, hướng tới áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn như thực phẩm xuất khẩu đối với thực phẩm tiêu dùng trong nước, thí điểm tại các đô thị lớn. Tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin về ATTP từ Trung ương tới địa phương, tạo công cụ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phục vụ cộng đồng trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên thị trường. Tiếp tục đẩy mạnh thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác ATTP.