Bà Nguyễn Thị Hằng, điều phối chương trình Nước và Không khí sạch của Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID) đưa ra những lời khuyên hữu ích giúp độc giả KH&ĐS biết cách giảm thiểu tiếp xúc và tác hại của bụi khói, ô nhiễm không khí.
Khi bụi ngày càng phát tán mạnh, bạn đã biết cách bảo vệ mình khỏi bụi hè?.
Bụi và không khí ô nhiễm ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống trong nhà của người dân?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là hiểm họa lớn nhất đối với sức khỏe. Thậm chí nghiêm trọng hơn cả tai nạn giao thông. Gánh nặng bệnh tật do ô nhiễm không khí gây ra là rất đáng báo động.
Các bệnh tim mạch và đột quỵ là những nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tử vong sớm có liên quan đến ô nhiễm không khí. Chiếm tới 80% số ca tử vong sớm; tiếp theo đó là các bệnh về phổi và ung thư phổi. Ngoài việc gây ra tử vong sớm, không khí ô nhiễm còn làm tăng tỷ lệ mắc một loạt các bệnh khác (ví dụ như bệnh đường hô hấp, các bệnh tim mạch…
Đối tượng nào dễ bị tổn thương do bụi và ô nhiễm không khí nhiều nhất?
Trẻ em là nhóm đối tượng bị tổn thương nhiều nhất dưới những tác động của ô nhiễm không khí tới sức khỏe. Trẻ em có tốc độ thở nhanh gấp đôi người lớn, đồng thời lượng chất gây ô nhiễm chúng hít vào cũng cao hơn tính theo mỗi đơn vị trọng lượng cơ thể.
Hơn thế nữa, trẻ em thường hít thở bằng miệng nhiều hơn là qua đường mũi, do đó lượng chất gây ô nhiễm hít vào cơ thể cũng tăng lên. Phổi của trẻ đang trong giai đoạn phát triển và ô nhiễm không khí là tác nhân ngăn cản sự phát triển đó. Ngoài ra trẻ em cũng thường xuyên tham gia các hoạt động ngoài trời, chạy nhảy và tiếp xúc gần với mặt đất, nơi có nhiều chất gây ô nhiễm.
Trong điều kiện không khí ô nhiễm như vậy các cá nhân, các hộ gia đình cần làm gì để tự bảo vệ mình?
Để bảo vệ mình và góp phần giảm bớt ô nhiễm không khí, các cá nhân và gia đình nên thực hiện sáu hành động sau:
Thứ nhất, chủ động theo dõi chất lượng không khí để có hành động phù hợp. Ví dụ như khi ô nhiễm không khí ở mức cao, chúng ta không nên ra ngoài, hay vận động mạnh (tập thể dục thể thao) vào những giờ cao điểm khi lượng xe cộ lưu thông nhiều khiến bụi khói, ô nhiễm không khí tăng cao.
Thứ hai, sử dụng loại khẩu trang chuyên dụng có thể ngăn bụi PM 2.5 (loại bụi siêu mịn) mà các loại khẩu trang thông thường không thể loại bỏ được. Nếu người dân chưa có thông tin về các loại khẩu trang chuyên dụng, người dân có thể tham khảo hướng dẫn lựa chọn khẩu trang ngăn bụi PM 2.5 tại website của GreenID.
Thứ ba, là lắp đặt máy lọc không khí trong nhà.
Thứ tư, sử dụng phương tiện công cộng thay cho phương tiện cá nhân.
Thứ năm, hạn chế đốt rơm rạ, và rác thải, hay sử dụng bếp than tổ ong.
Thứ sáu, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong gia đình. Góp phần giảm nhu cầu sản xuất điện từ đó giảm được phát thải ô nhiễm…
Vậy còn bụi ở trong nhà, cách nào để hạn chế bụi trong nhà?
Hãy, đóng cửa và bật máy lọc không khí khi ô nhiễm không khí ở mức không tốt cho sức khỏe. Cần hạn chế nguồn gây ô nhiễm như hút thuốc, đốt bếp than tổ ong, đốt hương, vàng mã…
Một cách nữa là trồng thêm nhiều cây xanh. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng là một cách để hạn chế bụi.
Đặc biệt, nhiều người hạn chế bụi bằng cách sử dụng máy hút bụi. Tuy nhiên, thực tế, lời khuyên của chúng tôi là không nên sử dụng máy hút bụi, trừ khi máy có bộ lọc HEPA vì việc sử dụng máy hút bụi có thể khuấy động các hạt bụi có sẵn trong nhà. Thay vào đó, lau ướt là cách có thể hạn chế phát tán bụi.
GreenID kiến nghị chính phủ nhanh chóng tăng cường giám sát và kiểm soát ô nhiễm không khí. Thông qua các biện pháp như thúc đẩy ban hành đạo luật không khí sạch. Đồng thời thắt chặt các tiêu chuẩn phát thải của giao thông và các nhà máy nhiệt điện than.
Đức Anh