BS Nguyễn Bá Hiển, cựu sinh viên Khoa Răng Hàm Mặt Trường Đại học Y Dược TPHCM cho hay, cấu tạo của bàn chải gồm 1 cán có thể lắp vào tháo ra được với bản nhai có hình chữ U, với chất liệu tương hợp sinh học (silicon), có độ dẻo, mềm mại hơn so với các bàn chải nhựa hiện nay. Bàn nhai mô phỏng kích thước, hình dạng cung răng trên và dưới của trẻ trong giai đoạn phát triển bộ răng sữa (từ 6 tháng - 3 tuổi) và bắt đầu giai đoạn hàm răng hỗn hợp (từ 3 - 6 tuổi). Khi bàn nhai được cho vào miệng và nhai, các tuyến nước bọt sẽ kích hoạt, tiết ra nước bọt và pH (trung tính) của nước bọt vừa tiết ra. pH của nước bọt kết hợp với pH của mảng bám (tính axit) sau khi ăn sẽ diễn ra phản ứng trung hòa axit-bazơ. Hoạt động này góp phần hạn chế hoặc ngăn chặn quá trình mất chất khoáng của men răng, nhất là ở trẻ mọc những chiếc răng sữa đầu tiên từ 6 - 8 tháng tuổi. Ngoài ra, nước bọt có chứa thành phần kháng khuẩn có thể ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng khoang miệng, giảm nguy cơ viêm lợi, sâu răng như một hàng rào diệt vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng. Bàn nhai rất dễ sử dụng và chỉ cần nhai từ 1 - 2 phút mỗi lần, có thể không cần sử dụng kem đánh răng.