Biến chứng đầu tiên của viêm tắc động mạch là ở những vùng giãn tĩnh mạch, chức năng dinh dưỡng của tĩnh mạch bị giảm sút. Do đó, có thể gây nên hiện tượng loét, nhiễm trùng, hoại tử, rụng ngón và tắc nghẽn động, tĩnh mạch…
Trong y học cổ truyền, viêm tắc động mạch nằm trong phạm vi chứng “thoát thư” và được phòng chống bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có việc sử dụng món ăn bài thuốc từ thịt gà.
Trong sách thuốc cổ “thần nông bản thảo kinh”, gà được liệt vào hàng thượng phẩm, điều đó cho thấy từ xưa loại gia cầm này không chỉ được coi là thực phẩm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao mà còn là một vị thuốc quý.
Theo dinh dưỡng học cổ truyền, thịt gà vị ngọt, tính ấm có công dụng bổ tinh, ích tủy, ôn trung ích khí, được dùng để chữa các chứng hư lao (suy nhược cơ thể), đi lỏng, đái tháo đường, ung nhọt chữa khí hư, muộn con. Đặc biệt, đây là là loại thực phẩm bổ âm cho tỳ vị, bổ khí, huyết và thận, có tác dụng trừ phong…
Nghiên cứu hiện đại cho thấy, bên cạnh các thành phần dinh dưỡng đa dạng với những hợp chất như: albumin, chất béo, thịt gà còn có các vitamin A, B1, B2, C, E, axit, canxi, phốt pho, sắt… Đây là loại thực phẩm chất lượng cao, cơ thể con người dễ hấp thu và tiêu hóa.
Protein trong thịt gà giúp cơ thể tăng trưởng và phát triển cơ bắp, duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh và hỗ trợ giảm cân. Thịt gà còn có tác dụng chống trầm cảm, tốt cho tim, hỗ trợ răng, xương và các tuyến nội tiết trong cơ thể…
Cháo gạo nếp ức gà: Thịt ức gà 250g thái miếng đem ướp với gừng thái chỉ, hành củ giã nát, muối và một chút rượu vang trong 60 phút rồi đem ninh với 250g gạo nếp thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày.
Công dụng: Ích khí ôn kinh. Tốt cho người bệnh viêm tắc động mạch có biểu hiện sợ lạnh, thích ấm, chi thể lạnh lẽo, đau đớn, nhức nhối, tê bì, tăng lên khi lạnh, giảm khi chườm hoặc ngâm nước nóng, sắc da nhợt nhạt, vét loét xám tối, chất lưỡi nhợt tía, rêu lưỡi trắng nhờn.
Gà hầm phụ tử + quế nhục: Gà mái 1 con (vừa), phụ tử chế 8g, quế nhục 15g. Gà làm thịt sạch, bỏ nội tạng, cho phụ tử chế, quế nhục, gừng tươi, hành và gia vị vừa đủ vào trong bụng gà rồi đem hầm nhừ, ăn nóng.
Công dụng: Ôn thận tráng dương, thông kinh mạch, dùng cho viêm tắc động mạch thể thận dương hư. Biểu hiện: Tinh thần mỏi mệt, sắc mặt nhợt sạm kém tươi, miệng nhạt không khát, đầu choáng mắt hoa, lưng đau gối mỏi, nửa người trên thì nóng, nửa người dưới thì lạnh, cơ bắp mềm nhẽo, đại tiện lỏng loãng, tiểu tiện trong dài, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng.
Gà hầm hồng hoa: Thịt gà 250g, hồng hoa 15g. Thịt gà thái miếng đem hầm chín rồi cho hồng hoa vào đun tiếp, khi được chế thêm gia vị, ăn nóng.
Công dụng: Ôn thông kinh mạch, ích khí hoạt huyết, chỉ thống, tốt cho bệnh nhân bị viêm tắc động mạch “thể hư hàn”. Biểu hiện: người bệnh sợ lạnh, thích ấm, chi thể lạnh lẽo, đau đớn, nhức nhối, tê bì, tăng lên khi lạnh, giảm khi chườm hoặc ngâm nước nóng, sắc da nhợt nhạt, vét loét xám tối, chất lưỡi nhợt tía, rêu lưỡi trắng nhờn.
BS Khánh Hoàng
(Hội Đông y Việt Nam)