Sâm bố chính mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi ở Việt Nam. Người dân nên biết cách sử dụng đúng để bồi bổ và chữa bệnh.
Loài thảo dược quý trong y học cổ truyền
TS. Chu Quang Truyền, Phó trưởng phòng khai thác tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt nam cho biết, sâm bố chính Loại sâm này có nhiều tên gọi khác như sâm báo, sâm thổ hào và nhân sâm Phú Yên, có tên khoa học là Abelmoschus sagittifolius (Kurz) Merr.
Cây sâm có đặc điểm gần giống với cây vông vang, do đó cần cẩn trọng để tránh nhầm lẫn. Cây vông vang có kích thước lớn hơn, lông mọc dài hơn. Ngoài ra, hoa vông vang có màu vàng, trong khi hoa bố chính có màu hồng.
Đây là một loại cây thuộc họ Bông (Malvaceae), mọc hoang và hiện được trồng ở nhiều nơi ở nước ta. Đặc điểm của loại cây này là cây thân thảo. Thân cây mọc thẳng nhưng yếu ớt, đôi khi cần dựa vào các cây xung quanh và có chiều cao khoảng 1m hoặc cao hơn. Rễ có màu trắng nhạt hoặc vàng nhạt, nhiều rễ có hình dáng giống nhân sâm.
Lá cây mọc xen kẽ, có cuống dài. Lá ở gốc cây có hình bầu dục và không chia nhánh, còn lá ở phần trung và lá đỉnh được chia thành 5 thuỳ hình dải, với cuống lá ngắn hơn phiến lá và có lông. Cây này thường ra hoa vào tháng 6-7, màu hồng hoặc nâu đỏ, thường có một chút màu vàng, nở đơn lẻ ở kẽ lá. Quả của cây có hình quả trứng nhọn, bên trong và bên ngoài được bao phủ bởi 5 mảnh vỏ có lông. Hạt có màu nâu và hình thận.
Sâm bố chính là một loại thảo dược quý được sử dụng trong y học cổ truyền, được biết đến với nhiều tác dụng và tính vị, quy kinh đặc trưng.
Rễ của sâm bố chính có vị ngọt, hơi nhờn và tính bình. Nó thuộc vào hai quy kinh là Tỳ và Phế. Công dụng của loại cây này là bổ khí, ích huyết, giảm khát, tạo ra tân dịch. Khi được kết hợp với gạo, nó có tính ấm hỗ trợ quá trình tiêu hóa bằng cách kiện Tỳ và dưỡng Vị.
Các tác dụng chủ trị: Điều trị sự suy nhược cơ thể, mất ngủ, kiệt sức, ăn kém, trẻ em suy dinh dưỡng, kém phát triển, Sốt và ho kéo dài, viêm họng, viêm phế quản, kinh nguyệt không đều, đau lưng, đau người, chóng mặt, khí huyết suy yếu.
Nghiên cứu trong y học hiện đại cho thấy, việc sử dụng cao bố chính thông qua đường uống hoặc đường tiêm phúc mạc có thể làm giảm hoạt động tự nhiên của một con chuột nhắt trắng khi thực hiện thí nghiệm trên loại động vật này.
Bên cạnh đó, cao bố chính cũng có khả năng tăng tác dụng gây ngủ của thuốc barbiturat, làm kéo dài thời gian giấc ngủ. Đồng thời, nó cũng có tác dụng chống co giật ở chuột khi được sử dụng pentetrazol.
Các kết quả từ các thử nghiệm trên cho thấy loại cây này có khả năng hỗ trợ trong việc làm dịu và ức chế hoạt động của hệ thần kinh trung ương.
Cây sâm bố chính được trồng ở Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên |
Nhiều bài thuốc có giá trị
Bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc công ty V-Ginseng cho biết, sâm bố chính đã được sử dụng hàng trăm năm trong y học cổ truyền và có nhiều bài thuốc điều trị bệnh:
Hỗ trợ điều trị rối loạn kinh nguyệt: Bố chính, cỏ nhọ nồi, thục địa (mỗi loại 20g), củ cây gai (12g), củ ấu (10g), ngải cứu, ích mẫu (mỗi loại 16g). Cách sử dụng: Sao vàng ngải cứu và cỏ nhọ nồi, sau đó kết hợp với các nguyên liệu còn lại để tạo thành một thang thuốc. Lấy 200ml nước đặc từ thang thuốc này chia thành 3 lần uống. Dùng mỗi ngày 1 thang thuốc để giảm các triệu chứng rối loạn kinh nguyệt như tắc kinh, rong kinh, chậm kinh và các vấn đề tương tự.
Bồi bổ khí huyết: Sâm bố chính (30g), hồi dầu (12g), mật ong nguyên chất, củ mài, đương quy, dĩ nhân (mỗi loại 15g).Cách sử dụng: Tán tất cả thành bột, sau đó trộn đều với một lượng mật ong vừa đủ để tạo thành một hỗn hợp mịn, khô và không dính tay. Vo thành viên hoàn và uống mỗi ngày từ 15 – 20g.
Hỗ trợ điều trị hen suyễn: Sâm bố chính (200g), rễ cây dâu tằm (160g), 4 con tắc kè, mật ong nguyên chất, vỏ quýt và can khương (mỗi loại 120g). Cách sử dụng: Tắc kè được làm sạch ruột, băm nhỏ và sao vàng. Tán tất cả thành bột, sau đó trộn đều với mật ong để tạo thành viên. Uống mỗi ngày 12g.
Giảm căng thẳng, mệt mỏi: Sâm bố chính (16g), táo nhân, cam thảo dây, thủy ngọc, liên tu, xương bồ (mỗi loại 8g), nhục quế (4g), củ khoai mài, hà thủ ô, ích trí, bá tử nhân (mỗi loại 12g). Cách sử dụng: Rửa sạch tất cả các thành phần, sau đó đun sắc với 500ml nước. Khi sắc cạn còn 300ml, tắt bếp. Chia thành 2 lần uống trong ngày. Công dụng của hỗn hợp này là giúp an thần, giảm căng thẳng, lo âu và trầm cảm.
Hỗ trợ tiêu hóa và bài tiết: Sâm bố chính (20g), trầm hương (4g), sơn khương (40g). Cách sử dụng: Đầu tiên, cho sơn khương vào sữa và rang cho đến khi có màu vàng. Sau đó, đặt sơn khương đã rang cùng với sâm vào ấm để sắc. Cuối cùng, thêm trầm hương vào và tiếp tục sắc trong 10 phút. Chia thành 2-3 lần uống. Trong ngày tiếp theo, sắc thang mới để sử dụng.
Chữa suy nhược thần kinh: Sâm bố chính (20g), hoa cúc (8g), tần quy (8g), sơn khương (8g), dư dung (8g), long nhãn (8g), táo nhân (8g), phục linh (6g), tiểu thảo (6g), hoàng kỳ (12g), mộc hương (8g).
Chữa sốt nóng lâu, khát nước, ra mồ hôi: Sâm bố chính 20g, thục địa 30g, nhục quế 3g. Sắc uống ngày 1 thang
Chữa gầy yếu hay béo bệu, kém ăn, mỏi mệt, đầy bụng đi lỏng: Sâm bố chính 40g, bạch truật 20g (sao mát), hoàng kỳ 8g (sao mật), liên nhục 6g, mạch môn 4g, ngũ vị 4g (sao mật), chích thảo 4g, phụ tử chế 1-2g, táo ta vài quả, gừng nướng vài lát. Sắc uống trong ngày.
Chữa tiêu hóa, bài tiết bị ngưng trệ: Sâm bố chính 20g, bạch truật 40g (tẩm sữa sao), trầm hương 4g. Sắc riêng sâm bố chính và bạch truật rồi mài trầm hương vào, uống trong ngày.
Chữa trẻ em gầy còm xanh xao, hay đi lỏng, lỵ kéo dài: Sâm bố chính sao chín 25%, hoài sơn sao chín 30%, ý dĩ sao chín 20%, hạt sen sao chín 15%, bạch chỉ sao chín 10%. Các vị tán nhỏ rây bột mịn, cho uống với nước đường hoặc trộn với đường đun chảy. Trẻ em trên 10 tuổi, ngày 4-10g
Chữa rối loạn kinh nguyệt: Sâm bố chính 16g, cỏ nhọ nồi sao vàng, thục địa, mỗi vị 20g, ngải cứu sao, ích mẫu, mỗi vị 16g, củ gai (cây gai làm bánh) 12g, củ gấu (tứ chế) 10g. Sắc uống trong ngày
Chữa thiếu máu: Sâm bố chính, hà thủ ô, hạt sen, mỗi vị 100g; cam thảo 40g, thảo quả 12g, đại hồi 8g. Tán nhỏ làm viên ngày uống 20g, chia 2 lần
Chữa đái ra dưỡng chấp: Sâm bố chính, ý dĩ, tỳ giải, huyền sâm, trúc diệp, liên nhục, củ mài, rễ cỏ tranh, cam thảo nam, mã đề mỗi vị 12g, hoạt thạch 6g. Sắc uống ngày 1 thang
Chữa suy nhược thần kinh: Sâm bố chính 20g, hoàng kỳ 12g, đương quy, bạch truật, táo nhân, long não, mộc hương, bạch thược, cúc hoa, mỗi vị 8g, bạch linh, viễn chí mỗi vị 6g. Sắc uống ngày 1 thang
Bổ khí huyết: Sâm bố chính 30g, hoài sơn, đương quy, ý dĩ sao, mỗi vị 15g, hồi đầu 12g. Làm viên với mật ong hoặc keo mạch nha, mỗi ngày 15-20g.
Người dân thu hái sâm bố chính làm thuốc |
Dùng đúng để tránh tác dụng phụ
Theo Y học cổ truyền, tuy sâm bố chính chữa được nhiều bệnh nhưng nếu sử dụng sâm bố chính không đúng cách hoặc vượt quá liều lượng có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.
Theo TS Truyền, loại sâm này không có chất độc, nhưng nếu cơ địa không phù hợp, nó có thể gây ra phản ứng dị ứng: Mọc mề đay trên da; Da trở nên đỏ và nóng; Cảm giác ngứa ngáy trên da...
Phản ứng Dị ứng nghiêm trọng: Môi, lưỡi bị sưng, khó thở, thở gấp, huyết áp giảm, nhịp tim tăng…
Vì vậy, chỉ sử dụng thuốc khi được thầy thuốc có kinh nghiệm và chuyên môn hướng dẫn. Vì loại sâm này có tính mát, nếu sử dụng cho bệnh nhân có tình trạng hư hàn, nên tẩm với gừng và sao kỹ trước khi sử dụng.
Không nên dùng loại sâm này cùng với lê lô. Nếu sử dụng sâm để ngâm rượu, hãy sử dụng bình thủy tinh hoặc bình gốm để đảm bảo chất lượng rượu. Tránh sử dụng bình làm bằng chất liệu nhựa hoặc kim loại.
Tránh sử dụng các chất kích thích trong quá trình sử dụng loại sâm này.
Nếu bạn đang được điều trị bằng thuốc tây, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo không có tương tác giữa thuốc tây và sâm.
Hiện các nhà khoa học Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên đã nghiên cứu sản xuất ra các loại: trà sâm, trà hoa sâm túi lọc, cao sâm, G.Men ...tiện cho người dân sử dụng
Lưu ý rằng hiệu quả của các bài thuốc từ bố chính chỉ đạt được khi phù hợp với cơ địa của mỗi người. Cần kiên trì sử dụng trong một khoảng thời gian để thấy được kết quả.
Cách chế biến rễ sâm sau khi đào về vào tháng 11-12 và tháng 1-2.
Cách 1: Cắt bỏ phần thân ở phía trên, lấy vỏ ngoài ra và ngâm trong nước vo gạo qua đêm, sau đó vớt ra để nước tự ráo. Tiếp theo, phơi nắng hoặc sấy khô cho đến khi rễ chín.
Cách 2: Đào rễ về và cắt bỏ phần thân, lấy vỏ ngoài ra và phơi nắng trong ngày, đem sấy khô cho đến khi rễ cây hoàn toàn khô.
Cách 3: Cắt bỏ phần thân và các rễ con, rửa sạch. Ngâm rễ trong nước phèn chua trong 2 ngày (sử dụng 300g phèn chua tán nhỏ hòa tan vào nước lã với mỗi 10kg rễ). Sau đó, rửa sạch và phơi nắng hoặc sấy khô.
Tuy vậy, liều lượng sử dụng sâm bố chính chưa được xác định chính xác, thông thường dùng từ 6-12g hoặc có thể cao hơn tùy theo trường hợp.