Tai biến mạch máu não Đông y được gọi là trúng phong, bán thân bất toại....Bệnh khởi phát cấp tính, biến chứng mau lẹ tựa như phong tà hành thiện lấy bệnh cảnh lâm sàng đột nhiên choáng váng, ngã vật ra, bất tỉnh nhân sự, bán thân bất toại, tê bì nửa người, rối loạn ngôn ngữ…
Theo Đông y, trúng phong là bệnh vị tại não tủy huyết mạch, sau dẫn đến rối loạn công năng nhiều tạng phủ trong cơ thể, trong đó đặc biệt là tâm, thận, can và tỳ. Khởi đầu có thể chỉ thấy liệt nửa người, lưỡi cứng khó nói, thần chí tỉnh táo, bệnh trạng còn nhẹ. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh tình tiếp tục phát triển xuất hiện tình trạng u ám rồi hôn mê, mất ngôn ngữ, đái ỉa tự động, thậm chí có thể thổ huyết, tiện huyết, quyết thoát và tử vong. Sau giai đoạn cấp tính (não mạch bế tắc hoặc huyết dật ra ngoài não mạch) dù được điều trị kịp thời, bệnh cũng thường để lại các biến chứng thổ huyết, co rút, co cứng và nhiều nhất là nấc.
Tây y không đặt vấn đề điều trị nấc, nhưng ở người bệnh tai biến mạch máu não, ách nghịch lại là một biến chứng thường gặp không chỉ gây khó chịu cho người bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn gây thở khó, nguy hiểm cho tính mạng. Đông y chia biến chứng ách nghịch do trúng phong thành hai thể và mỗi thể lại có cách điều trị riêng.
Thể “Vị khí, vị âm lưỡng thương” với biểu hiện: Nấc liên tục không dứt, môi táo, lưỡi khô, hôn mê phiền táo, đại tiện táo kết, chất lưỡi đỏ hoặc đỏ giáng, rêu lưỡi vàng hoặc ít rêu, mạch tề huyền sác. Pháp trị: Ích khí dưỡng âm, hòa vị chỉ ách. Phương dược Nhân sâm ngạnh mễ thang gồm: Tây dương sâm 6g, ngạch mễ (gạo tẻ) 30g. Sắc tây dương sâm lấy 100ml. Gạo tẻ nấu cháo lấy 400ml, hòa lẫn hai thứ, chia làm 2 đến 4 lần cho ăn qua ống thông trong ngày.
Thể “Đàm nhiệt phủ thực, trọc khí bất giáng” với biểu hiện: Tiếng nấc to khỏe, mũi miệng khô táo, mê man nói sảng, tiện bí niệu đỏ, bụng trướng, lưỡi đỏ, rêu vàng khô có gai, mạch hoạt sác hoặc huyền hoặc hữu lực. Trị pháp Thông phủ tả nhiệt, hòa vị chỉ ẩu. Phương dược Đại thừa khí thang gia vị bao gồm: Đại hoàng 8 – 16g, hậu phác 8 – 16g, mang tiêu 6 – 12g, chỉ thực 8 – 16g.
Cách dùng: Cho hậu phác, chỉ thực nấu sôi 5-10 phút, cho đại hoàng vào sắc tiếp rồi đổ ra lọc bỏ bã, cho mang tiêu hoặc huyền minh phấn (là chất tinh chế mang tiêu) trộn tan đem dùng, ngày một thang.
Trong bài, đại hoàng tính đắng hàn tả nhiệt thông tiện ở đại tràng là chủ dược; Mang tiêu tính mặn hàn tả nhiệt nhuyễn kiên nhuận táo, trừ tích; Chỉ thực, hậu phác tiêu bỉ trừ mãn hành khí tán kết, các vị thuốc hợp lại có tác dụng chung là tuấn hạ nhiệt kết. Trên lâm sàng thường dùng bài thuốc để trị các bệnh viêm túi mật cấp, viêm ruột thừa cấp và một số bệnh nhiễm trùng sốt cao, hôn mê co giật (tai biến mạch máu não), bụng đầy táo bón, mạch có lực. Trên thực nghiêm cho thấy bài thuốc có tác dụng tăng cường nhu động ruột, cải thiện tuần hoàn máu và làm giảm bớt tính thẩm thấu của mao mạch.
ThS Hoàng Khánh Toàn (Chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện T.ƯQuân đội 108)