Bài thuốc đứng đầu tư âm bổ thận
Lục địa hoàng thang hay hoàn là bài thuốc được ứng dụng nhiều. Trong phần bổ âm của các sách thuốc Đông y hầu như sách nào cũng nói về bài thuốc này. Tuy nhiên trong cái tưởng như bình thường, lại có những điều khá phong phú và thú vị để ứng dụng trên lâm sàng.
Bài “Lục vị địa hoàng thang (hoàn), nếu sắc uống gọi là thang, làm viên uống gọi là hoàn. Bài thuốc còn có tên: Lục vị hoàn, Địa hoàng hoàn do ông Tiền Trọng Dương đời nhà Tống (Trung Quốc) lập ra. Thuốc gồm có thục địa hoàng 24g, sơn thù du 12g, cam sơn dược (hoài sơn phơi khô) 12g, trạch tả 9g, phục linh 9g, đơn bì 9g. Lưu ý, đây là trọng lượng mẫu của bài thuốc đã được quy đổi từ 1 đồng cân (1 tiền) = 3,125g và được quy tròn thành 3g cho dễ tính, khi sử dụng bao nhiên, cứ nhân theo tỷ lệ của từng vị thuốc.
Các vị thuốc tán nhỏ luyện với mật (mật ong) làm viên, mỗi viên nặng 9g, mỗi lần uống 1 viên, mỗi ngày uống từ 2 -3 lần. Uống với nước sôi để ấm hoặc nước muối nhạt.
Công hiệu: Tư âm bổ thận, hay tư bổ can, thận. Chủ trị: Can thận âm hư, hư hỏa bốc lên khiến cho lưng đau, gối mỏi, mắt hoa, đầu váng, tai ù tai điếc, ra mồ hôi trộm, di tinh, gan bàn tay bàn chân nóng, hoặc nóng âm ỉ trong xương, sốt nóng có giờ như thủy triều, hoặc tiêu khát, hoặc đau răng do hư hỏa, lưỡi khô, họng đau, lưỡi đỏ ít rêu, mạch tế sác hoặc trầm tế sác.
Phương giải: Những chứng bệnh được điều trị của bài thuốc tuy biểu hiện nhiều mặt, song đều do can thận âm hư gây nên. Trong bài thuốc, thục địa tư âm bù đắp tủy, đại bổ chân âm làm chủ dược; Sơn thù du ôn bổ can thận mà sáp tinh; Can sơn dược tư bổ tỳ âm, kiện tỳ cố thận mà ích tinh, đều là bài thuốc bổ trợ là tam bổ “ba vị bổ” của thuốc này dùng để trị bản (phần gốc).
Do can thận âm hư, thường có dẫn đến hư hỏa bốc lên, cho nên lại dùng trạch tả để tả thận hỏa; đơn bì tả can hỏa; phục linh thẩm thấm (hút) tỳ thấp, là “tam tả” (ba vị tả) của bài thuốc này dùng để trị tiêu (phần ngọn). 6 vị thuốc cùng dùng với nhau thành “tam bổ”, “tam tả”... làm cho bài thuốc trong thu có tán, trong bổ có tả, ngụ ý là tử ở trong bổ, bổ mà không trệ trở thành bài thuốc tiêu biểu cho đại bổ nguyên âm. Nguyên âm là ở thận, cho nên công hiệu của bài thuốc này chuyên về thận. Có thể nói đây là bài thuốc đứng đầu tư âm bổ thận.
Các ứng dụng lâm sàng
Đây là bài thuốc bổ âm, trên lâm sàng dùng cho các loại chứng bệnh thận âm thương tổn gây nên như lưng đau, gối mỏi, mắt hoa, đầu váng, gan bàn tay, gan bàn chân nóng, lưỡi đỏ ít rêu, mạch tế sác làm điểm quan trọng, chủ yếu trong biện chứng. Nếu lưng đau gối mỏi nhiều, gia đỗ trọng, ngưu tất để làm mạnh cân cốt. Nếu tiểu tiện đi nhiều bỏ trạch tả, gia ích trí nhân để cố tinh và giảm bớt đi tiểu.
Bài thuốc này trong sách “Tiểu nhi dược chứng trực quyết” dùng để chữa trẻ nhỏ bị chứng “ngũ trì”, gọi chung là các triệu chứng phát dục không tốt chậm trễ. “Thiêu ấu khoa tâm pháp y quyết sách Y tôn Kim giám” nói: chứng ngũ trì của trẻ nhỏ phần nhiều do khí huyết của cha mẹ hư nhược, tiên thiên khuynh tổn, khiến cho các cháu nhỏ sinh ra gân xương mềm yếu, đi lại khó khăn, răng mọc chậm, ngồi không vững đều là nguyên nhân “thận hư bất túc”. Người ta chia ngũ trì (5 điều chậm) là: đứng chậm, đi chậm, mọc tóc chậm, mọc răng chậm và nói chậm.
Sách “Tiểu nhi dược chứng trực quyết” cũng nói: bài thuốc này chữa các chứng thận hư nhược mất tiếng, thóp không liền kín, thần bất túc, trong mắt lòng trắng nhiều, sắc mặt nhợt nhạt.
Bài thuốc này gia ngũ vị, mạch môn đông gọi là bài “Mạch vị địa hoàng hoàn” chủ trị âm hư, suyễn thở ho ra máu, triều nhiệt, mồ hôi trộm, mộng di hoạt tinh.
Bài thuốc này gia ngũ vị tử, gọi là “thất vị đô khí hoàn” công năng bổ thận nạp khí, chữa các chứng thận hư suyễn thở, ho.
Bài thuốc này gia ngũ vị tử, xương bồ, từ thạch, gọi là bài “Nhĩ lung tử từ hoàn” chủ trị chữa thận hư, tai ù, tai điếc, mắt hoa...
TTND. LY giỏi Trần Văn Quảng (Hội Đông y Việt Nam)