<div> <p style="text-align: justify;"><strong>Bệnh nặng hơn khi căng thẳng</strong></p> <p style="text-align: justify;">Chứng rối loạn khớp thái dương hàm là một nhóm các biểu hiện như đau, tiếng kêu khớp, khó há miệng ở một bên hoặc hai bên vùng má, vùng thái dương. Cảm giác khó chịu này thường tăng lên khi nhai. Bệnh rất thường gặp, khoảng 15 - 20% dân số có các triệu chứng của TMD.</p> </div> <p style="text-align: justify;">Triệu chứng: Đau vùng má hoặc thái dương, đau có thể lan xuống vùng cổ, đau tăng khi ngủ dậy hoặc khi nhai; Tiếng kêu “click” khi há ngậm miệng; Khó há miệng; Ù tai; Đôi khi có thể đau đầu. Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây TMD, có một số yếu tố chính: Thói quen cắn chặt hai hàm răng với nhau - hay gặp khi bạn tập trung hoặc lo lắng quá mức; Nghiến răng vào ban đêm khi ngủ hoặc thậm chí vào ban ngày; Các khớp và cơ bị căng do thói quen cắn bút, cắn móng tay hoặc giữ điện thoại giữa cổ và vai; Các cơ hoạt động quá mức do ăn đồ dai hoặc nhai kẹo cao su.</p> <p style="text-align: justify;">TMD là một bệnh lý thường không gây nguy hiểm nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bệnh có thể tự khỏi và rất dễ tái phát. Các triệu chứng thường nặng hơn khi bệnh nhân bị căng thẳng tâm lý, stress hoặc trầm cảm.</p> <p style="text-align: justify;"><strong>90% cải thiện triệu chứng khi thay đổi thói quen</strong></p> <p style="text-align: justify;">Có nhiều phương pháp đơn giản có thể sử dụng để điều trị TMD, tuy nhiên không có phương pháp nào chắc chắn hiệu quả cho tất cả bệnh nhân. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, 90% bệnh nhân có thể cải thiện được triệu chứng của mình bằng cách thay đổi thói quen, tập các bài tập và đeo máng. Ngoài ra, một số các phương pháp khác có thể được sử dụng như vật lý trị liệu, thuốc, bơm rửa khớp. Rất hiếm các trường hợp phải phẫu thuật.</p> <p style="text-align: justify;">Nếu bệnh nhân không hợp tác chắc chắn các triệu chứng không thể thuyên giảm.</p> <p style="text-align: justify;">- Không cắn chặt hai hàm răng vào nhau. Vị trí tốt nhất của hàm dưới là các răng hai hàm tách nhẹ khỏi nhau và không di chuyển qua lại, điều này giúp cho khớp thái dương hàm và các cơ có thời gian để nghỉ ngơi và liền thương. Các răng chỉ nên chạm nhau khi nhai, nuốt và nói.</p> <p style="text-align: justify;">- Tránh há miệng quá to;</p> <p style="text-align: justify;">- Tránh thói quen cắn móng tay hoặc nhai kẹo cao su;</p> <p style="text-align: justify;">- Tránh các tư thế mà gây căng cơ ở cổ và vai như nằm sấp;</p> <p style="text-align: justify;">- Nên ăn mềm, tránh các đồ ăn dai, cứng;</p> <p style="text-align: justify;">- Tránh uống cà phê và hút thuốc;</p> <p style="text-align: justify;">- Thuốc giảm đau như paracetamol và ibuprofen được sử dụng trong thời gian ngắn khi bệnh nhân bị đau nhiều;</p> <p style="text-align: justify;">- Nếu các triệu chứng không giảm khi áp dụng các biện pháp trên, bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa.</p> <p style="text-align: justify;">- Cố gắng giảm stress, nên nghỉ ngơi, dành ít nhất 10 - 15 phút mỗi ngày để thư giãn.</p> <p style="text-align: justify;">- Thực hiện các bài tập một cách chậm rãi và nhẹ nhàng, thả lỏng các cơ càng nhiều càng tốt. Hầu hết bệnh nhân đều giảm triệu chứng khi thực hiện các bài tập này, nhưng nếu bạn thấy đau hoặc khó chịu hơn, hãy dừng tập.</p> <p style="text-align: justify;">Bài tập số 1 – Mở miệng đúng cách: Nên thực hiện trước gương, sau khi chải răng vào buổi sáng và tối. Nhìn vào gương, bạn sẽ kiểm tra được hàm dưới của mình di chuyển theo một đường thẳng khi há và ngậm miệng.</p> <p style="text-align: justify;">Đứng trước gương, đặt ngón tay của bạn phía trước ống tai ngoài. Cong lưỡi lên phía trên để chạm vào vòm miệng. Giữ lưỡi ở vị trí này, mở miệng một cách từ từ và nhẹ nhàng. Lưu ý rằng, hàm của bạn di chuyển theo một đường thẳng, tránh lệch sang một bên. Lặp lại các động tác 5 lần. Thực hiện mỗi sáng/chiều.</p> <p style="text-align: justify;">Bài tập số 2 – Hỗ trợ cơ nhai: Có thể thực hiện khi nghỉ ngơi, thời điểm thích hợp là lúc xem tivi vào buổi tối. Bắt đầu tại vị trí nghỉ của hàm dưới, khi các răng của hai hàm tách nhẹ khỏi nhau. Khi mở miệng, dùng tay để giữ hàm một cách nhẹ nhàng. Giữ ở tư thế này khoảng 5 giây. Lặp lại động tác 5 lần mỗi ngày.</p> <p style="text-align: justify;"><strong>ThS.BSNT Nguyễn Mạnh Thành</strong><em><strong> </strong>(Khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội)</em></p>