Viêm đường hô hấp là quá trình nhiễm trùng của một hoặc nhiều các bộ phận trên cơ thể, ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh hoạt. Khi các bộ phận khác nhau bị viêm, sẽ có những tên gọi khác nhau như viêm xoang, viêm hầu họng, viêm phế quản, viêm thanh quản, viêm phổi, viêm phế quản...
Thở khí công thông mũi xoang, khỏe phổi
Người mắc các bệnh lý hô hấp là khó thở do tình trạng tắc nghẽn mạn tính đường thở và tăng tính đáp ứng của đường thở đối với nhiều kích thích khác nhau, đặc biệt là các hoạt động gắng sức, làm giảm sút khả năng hoạt động thể lực, ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống sinh hoạt thường ngày.
Phục hồi chức năng hô hấp thông qua các phương pháp tập thở, các bài tập vận động phù hợp sẽ góp phần nâng cao khả năng hoạt động thể lực, cải thiện thông khí hô hấp, giảm bớt tình trạng khó thở chung và khó thở gây ra do gắng sức.
Thở nội lực: Dùng ngón tay trỏ bịt 1 bên lỗ mũi và thở mạnh một lúc, để sấy nóng và thông thoáng đường hô hấp.
Thở khí công nội quán: Hít vào tâm nhận biết vùng mũi. Thở ra thả lỏng vùng mặt và cảm nhận khí lan tỏa khắp vùng mặt, đến khi cả vùng mặt ấm lên. Thực hiện 18 – 24 hơi thở, pháp này sẽ làm cho các xoang thông nhau, giúp mắt, mũi, miệng, họng thông thoáng và ấm nóng, có tác dụng phòng chống viêm đường hô hấp ngoài và viêm hệ thống xoang vùng mặt.
Thở đan điền: Hít thở đưa khí xuống Đan Điền (phần bụng dưới cách rốn 4cm) và dùng tinh thần quan sát hơi thở tại đây. Tác dụng: Làm cho thần tĩnh, thận ấm, chính khí được bảo tồn, tinh – khí – thần hội tụ (tam bảo quy nguyên).
Thở ngực: Khi hít vào tụ khí ở huyệt Đản trung (huyệt nằm trung tâm cột sống giữa hai núm vú).). Khi thở ra thả lỏng lồng ngực và niệm âm “hê” trong tâm tưởng. Tác dụng: Khai mở tâm lực để lan tỏa năng lượng vùng tâm, phế, từ đó giúp lưu thông khí huyết, tăng sinh lực cho tạng phủ.
Thở trung quản (thuộc tỳ thổ) để tăng cường cho phế quản phổi. Huyệt trung quản ở đường giữa bụng, trên rốn 3cm. Khi hít vào tụ khí ở trung quản. Thở ra thả lỏng vùng trung quản và niệm âm “hu” trong tâm tưởng, đồng thời quán tưởng (tưởng tượng) năng lượng lan tỏa khắp ổ bụng.Tiếp tục quán (tưởng tượng) vùng trung quản có một bông hoa sen màu vàng. Khi hít vào quán bông hoa sen cụp. Khi thở ra quán bông hoa sen nở ra khắp vùng bụng trên. Tác dụng: Tăng cường công năng cho tỳ vị thổ (lách và dạ dày) để bồi bổ cho phế.
Thải độc phổi tránh ho, khó thở suy hô hấp
Tạng phế (phổi) không chỉ phụ trách về hô hấp và sự khí hóa hoạt động của toàn thân, giúp cơ thể chống lại ngoại tà xâm nhập gây bệnh. Vì vậy, để cơ thể khỏe mạnh, tránh bị ho, sốt dị ứng và các bệnh về phế quản hãy thực hiện bài tập dưới đây.
Chuẩn bị: Ngồi khoanh chân trên sàn nội tư yên tĩnh, hơi thở tự nhiên
Thải độc khí trong phổi: Hai bàn tay chống xuống sàn, hít vào hơi gồng mình, co mình, khom lưng, thở ra thả lỏng toàn thân và trở về tư thế ban đầu. Thực hiện 10 – 15 lần.
Vỗ phách không: Hai bàn tay để mở và lần lượt vỗ nhẹ vào 2 bên ngực tạo tiếng nổ êm. Thực hiện 5 – 7 phút.
Hoành quyền: Hai tay nắm lại và lần lượt đấm nhịp nhàng về phía sống lưng (mu bàn tay hướng vào trong), thực hiện 5- 10 phút.
Gõ răng: Nhắm mắt gõ răng 3 lần và nuốt tân dịch xuống ngực. Thực hiện 10 – 15 lần.
Thực hiện bài tập này kiên trì và đều đặn sẽ có tác dụng: Giải tà khí ở phổi, trị các bệnh bệnh phế quản và tăng thông khí ở phổi, giúp phổi khỏe mạnh, điều khí cơ thể tốt, chống tà khí xâm nhập gây bệnh.
Để phổi luôn khỏe mạnh, không nên để cơ thể nhiễm lạnh, tránh tiếp xúc với môi trường không khí độc hại như hóa chất, khói bụi, khói thuốc lá. Do phổi là cơ quan tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nên dễ bị virus vi khuẩn xâm nhập gây ho khan, ho có đờm, khó thở dẫn đến các bệnh lý như viêm phổi, viêm phế quản, viêm phế quản mãn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, lao phổi…
Ngoài ra, cũng hết sức quan tâm đến chế độ ăn uống như: uống nước trà xanh buổi sáng 1 cốc sau khi ăn sáng. Trong ngày uống nước gạo rang thay nước uống...
BSVS Nguyễn Văn Thắng (Chủ nhiệm CLB Khí công Thăng Long)