Cốt sinh hình, tâm sinh tướng và khí sinh sắc. Cơ thể muốn mạnh mẽ, khỏe đẹp phải do cốt khí tạo nên, mà quyết định là cột sống.
Mở khí thiên trụ (cột sống)
Giãn mở cột sống: Đứng thẳng, hai chân mở rộng bằng vai. Khi hít vào, hai tay hoành rộng sang 2 bên và chắp bàn tay trên đỉnh đầu. Từ từ dẫn khí từ ngực xuống đan điền (khoang bụng dưới).
Lúc thở ra, đan hai bàn tay vào nhau và đẩy về phía trước mặt, sau đó thu đẩy bàn tay về phía trước nhiều lần, lực thúc từ vai đến bàn tay. Thực hiện như vậy 3 lần.
Rồng cuốn: Đứng thẳng, 2 tay dang ngang, bàn tay ngửa. Khi hít vào xoay cột sống về bên trái, tay phải tiến tới bờ vai trái (bàn tay sấp) và tay trái tiến tới bờ hông phải (bàn tay ngửa). Lúc thở ra về động tác chuẩn bị và đổi bên. Thực hiện 6 hơi thở.
Kết nối với càn khôn (hợp nhất năng lượng vũ trụ): Đứng thẳng, 2 tay chắp trước ngực như bái phật. Thở ra, xoay cột sống, đồng thời 2 tay đẩy song song về bên phải (bàn tay hướng về phía trước, khi hít vào trở về tư thế chuẩn bị).
Tiếp theo, đẩy tay về phía trước tương tự và sau cùng là đẩy về phía sau theo hướng bên trái. Thực hiện 3 vòng như vậy (theo công thức phải - trước - sau) và tiếp tục thực hiện 3 vòng sau theo hướng trái - trước - sau.
Đẩy trời: Đứng thẳng, 2 tay bắt chéo trước ngực, bàn tay hướng vào trong. Hít vào, ta xoay bàn tay theo hình bán cầu đặt trên đỉnh đầu (bàn tay ngửa).
Khi thở ra, dùng sức nâng 2 bàn tay lên như đẩy trời lên cao, làm cho toàn bộ khung cột sống và toàn bộ khung xương giãn nở hết. Lúc dừng thở xoay tay về tư thế chuẩn bị, thực hiện 6 hơi thở.
Ép đất: Đứng thẳng, 2 bàn tay bắt chéo trước ngực, bàn tay hướng vào trong. Hít vào, tay xoay xuống theo hình bán cầu tới rốn (bàn tay hướng xuống đất). Khi thở ra, dùng lực ép 2 bàn tay tới cung bẹn như ép đất. Khi dừng thở, xoay bàn tay về tư thế chuẩn bị. Thực hiện 6 hơi thở.
Bài tập cột sống giúp xương chắc, cơ thể khỏe mạnh |
Tầm quan trọng đặc biệt của cột sống
Cột sống có 4 tầm quan trọng đặc biệt:
Thứ nhất, đó là cái trụ để đỡ cho bộ khung cơ thể chịu được trọng lực của toàn thân.
Thứ hai, thông qua cột sống để điều hòa tâm - thận; điều hòa thủy - hỏa và điều hòa âm - dương toàn thân.
Thứ ba, thông qua cột sống với các đốt sống và đĩa đệm sẽ giúp cơ thể vận động theo mọi chiều không gian.
Thứ tư, cột sống có 27 đốt sống, kể cả não bộ là 28, để điều chỉnh toàn bộ hệ thống thần kinh của cơ thể, kể cả hệ thống thần kinh trung ương và hệ thống thần kinh thực vật thông qua tủy sống.
Trong 27 đốt sống, có 7 đốt sống chính. Ngoài kết nối tâm - thận, điều hòa thủy - hỏa, điều hòa âm - dương toàn thân, 7 đốt sống này chứa 7 trung tâm lực của cơ thể, còn gọi luân xa hay đại huyệt. Bảy trung tâm lực này sẽ chi phối 7 trung tâm nội tiết của cơ thể thông qua 7 phân khu của não bộ để thu phối toàn bộ chức năng của lục phủ, ngũ tạng và hệ thống nội kinh, huyết khí toàn thân.
Hơn nữa, các khe giữa những đốt sống là sự lan tỏa của hệ thống thần kinh thực vật đến khắp cơ thể, giúp hợp nhất hoạt động đồng bộ giữa hệ thống thần kinh trung ương và hệ thống thần kinh thực vật.
Cột sống có tầm quan trọng như vậy nên khi bị tổn thương, ngoài tổn thương cơ năng thường thấy như thoát vị đĩa đệm, gai đốt cột sống, vôi hóa đốt sống cổ…, nó còn gián tiếp tác động đến mọi chức năng khác của cơ thể thông qua hoạt động của hệ thống thần kinh và hoạt động của hệ thống nội tiết. Vì vậy, tập luyện để bảo vệ cột sống cần được chú trọng.
BS.VS Nguyễn Văn Thắng (Chủ nhiệm CLB Khí công Thăng Long)