Hình minh họa.
Nhân ngày 26/3, trường tổ chức chợ quê, mỗi lớp làm một gian hàng bán đồ ăn, thức uống. Con gái về phấn khởi lắm vì lần đầu tiên được tham dự, lại được phân công đứng bán hàng.
Trưa về đã thấy con bực mình kể: Bọn con chẳng được làm gì, toàn các bác phụ huynh làm tất.
Tôi nghĩ chắc mấy bác trong ban phụ huynh sợ các con còn bé nên làm hộ, từ việc chuẩn bị đồ uống, trà chanh… Sáng sớm đã thấy mấy mẹ chở đồ đến trường, lại lo trang trí gian hàng giúp các con. Rất nhiệt tình.
Đã thống nhất là những phần còn lại thì để cho các con tự làm… Nhưng con còn kể, con rót trà chanh vào cốc, các bác mắng bảo sao rót nhiều thế, và không cho làm nữa. Các bác rót một ít vào cốc rồi cho thật nhiều đá vào. Lại còn bán đắt nữa…
Tôi thấy mừng vì con đã tỏ ra bực mình với cách bán hàng ấy. Chứ nói thực, nếu nó hào hứng làm theo cách đó thì tôi thấy còn đáng sợ hơn.
Việc các trường tổ chức chợ quê là một hoạt động hấp dẫn với trẻ con, giúp các em được giao lưu, được tự làm những món ăn, tự quảng cáo để bán hàng… Là dịp để trẻ học cách tổ chức một hoạt động, làm một món ăn, làm việc theo nhóm, biết tự mua và bán hàng…
Nhưng có những phụ huynh không hiểu được ý nghĩa đích thực của hoạt động này, họ làm thay trẻ mọi việc. Vì sự nhiệt tình thái quá mà đứa trẻ từ vị thế chủ động thành ra bị động và bị gạt ra ngoài như vậy.
Đó là sự can thiệp thô bạo của người lớn dưới cái hình thức làm hộ. Và nếu thế thì hội chợ này thành ra cái chợ của các mẹ chứ đâu phải của trẻ con nữa.
Điều nguy hiểm hơn là qua đó bài học kinh doanh đầu tiên mà trẻ con sẽ học được là cách bán hàng lấy lợi nhuận làm đầu, cái cách mà chúng ta vẫn thấy đầy rẫy ngoài xã hội, đó là cho thật nhiều đá vào để đầy cốc, là mua rẻ bán đắt…
Trong khi cái mục đích ban đầu của hoạt động này là giúp trẻ tìm được niềm vui trong việc phục vụ người khác, vui khi thấy người ta ăn ngon những thứ mình làm ra…
Chỉ trong một việc nhỏ như vậy thôi, cách làm sai có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Minh Anh