Tác giả Phạm Ngọc Châu tại Lễ trao giải cuộc thi “Bí quyết sống khỏe” lần thứ 2 do Báo KH&ĐS tổ chức.
Tôi là độc giả thường xuyên của KH&ĐS khi báo còn mang tên Khoa học Thường thức từ khi ra đời 60 năm về trước. Tôi còn nhớ hồi là học sinh cấp 3 trường Hồng Quang của liên khu Tả ngạn đặt tại TP Hải Dương, cứ mỗi lần đến thư viện là tôi không quên tìm đọc và giở sách bút ra ghi chép những kiến thức phổ thông lý thú sát thực với cuộc sống đời thường được báo đăng tải. Những kiến thức được ghi chép lại đó, mỗi khi về quê tôi phổ biến lại cho bà con xã viên khi đi họp hoặc cùng làm với họ.
Thời đó kinh tế khó khăn, việc tìm mua sách báo cũng khó nên thư viện chính là nguồn cung cấp những tài liệu khoa học thường thức, đặc biệt là về kinh nghiệm tăng gia sản xuất rồi mở rộng tầm nhìn ra cả nước và trên thế giới rất bổ ích và lý thú.
Vào đầu thập kỷ 60, tốt nghiệp đại học Tổng hợp Hà Nội, may mắn cho tôi là đồng môn Đặng Hữu Hưng người Ninh Bình được về Báo Khoa học Thường thức công tác, còn tôi “Tam bất kỳ” xung phong vào xây dựng và phát triển vườn quốc gia Cúc Phương. Cứ mỗi lần ra Hà Nội là tôi tìm đến trụ sở tòa soạn ở phố Hai Bà Trưng sau bách hóa tổng hợp nhận báo anh Hưng để phần, rồi mang vào vườn quốc gia phổ biến những kiến thức liên quan đến sinh học, sinh thái tài nguyên rừng.
Tôi vẫn còn nhớ những đêm đông giá lạnh, những ngày hè nắng rát giữa vườn quốc gia không chỉ anh em cán bộ nghiên cứu mà ngay cả nhân viên vườn quốc gia hào hứng truyền tay nhau những ấn phẩm mà báo mang lại, đọc xong giữ gìn cẩn thận và đem tặng cho thư viện vườn quốc gia lưu trữ lâu dài...
Cảm động nhất là có lần 2 chuyên gia sinh học người Ba Lan là Bielauski và Pisaiski thấy tôi mang Báo Khoa học Thường thức về họ săn đón, nhờ dịch ra tiếng Nga rồi họ xin đổi 1 đài bán dẫn Sony 6 bóng lấy 2 tờ báo, nhưng tôi không nhận đài, trân trọng biếu họ làm kỷ vật. Họ vui mừng nắm tay tôi thật chặt khi được mang báo khoa học của Việt Nam về xứ sở Ba Lan xa xôi.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở vườn quốc gia Cúc Phương, được về gần nhà làm công tác cho ngành giáo dục kể từ năm 1971, từ đó đến nay tôi vẫn là bạn đọc trung thành của KH&ĐS. Không chỉ đọc mà tôi còn nghiên cứu viết bài cộng tác cho báo, nhiều bài viết của tôi được báo sử dụng tôi càng thêm gắn bó và hăng hái hơn, tích cực sưu tầm kinh nghiệm, thực hành trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, sinh vật cảnh để góp phần làm phong phú thêm nội dung của quý báo. Viết báo thêm yêu đời, khỏe ra vì thế gia đình cũng như bạn bè thân cận luôn động viên tôi gắn bó với KH&ĐS, với niềm hứng khởi bền vững...
Trong sự phát triển mạnh mẽ thông tin như hiện nay, giữa muôn vàn khó khăn của thị trường báo giấy mà tờ báo KH&ĐS vẫn “vững như thành”, nội dung và hình thức tờ báo luôn được cải tiến phù hợp... đã đem lại niềm tin cho bạn đọc.
Là bạn đọc lâu năm của quý báo, tôi mong báo nhà cần “cẩn tắc vô áy náy”, gạt bỏ những thông tin chưa được kiểm chứng hoặc những quảng cáo bốc đồng, nên bổ sung những tư liệu quý gắn liền với bảo vệ sức khỏe, phát triển tầm nhìn của độc giả qua mục “Thế giới đó đây” cho thêm phong phú và đa dạng.
“60 năm ấy biết bao nhiêu tình” mà Báo KH&ĐS đã đem lại cho tôi cũng như bạn đọc cả nước. Chúc tờ báo ngày càng phát triển, là người bạn thân thiết của mọi người, mọi nhà.
Phạm Ngọc Châu (Hải Dương)