Biên bản kiểm tra, chặt chẽ đến khó tin
Trong văn bản trả lời Báo Tri thức và Cuộc sống, UBND huyện Ea Súp cho biết, sau khi nhận được thông tin phản ánh từ phóng viên, UBND huyện đã cử lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản đối với Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cư M’Lan tại xã Cư M’Lan.
Văn bản của UBND huyện cho biết, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cư M’Lan khai báo đã lắp 10 camera gồm 4 camera tại vị trí trạm cân, 6 camera tại vị trí khai thác. Tuy nhiên, đầu tháng 7/2023, do mưa lũ kéo dài nên một số camera bị hư hỏng, chỉ còn lại 2 camera hoạt động tại vị trí trạm cân. Theo đó, công ty đang trong quá trình khắc phục tình trạng vừa nêu.
Phương tiện vận chuyển khoáng sản né trạm cân tại mỏ đá của Công ty TNHH Sản Xuất Và Thương Mại Cư M'Lan. |
Cũng theo văn bản của UBND huyện Ea Súp, trong quá trình khai thác, chế biến, vận chuyển và trước khi đưa ra bên ngoài tiêu thụ, khoáng sản phải đi vào trạm cân.
Ngoài ra, liên quan tới nghi vấn vận chuyển đất từ mỏ ra ngoài tiêu thụ, UBND huyện cho biết, hiện nay công ty đang trong quá trình đầu tư các hạng mục công trình dự án do đó việc vận chuyển đất phục vụ dự án là có. Tại thời điểm kiểm tra có 1 xe 3 chân đang thực hiện vận chuyển đất để san lấp mặt bằng công trình trong khuôn viên dự án. Không có xe chở đất ra ngoài tiêu thụ.
Toàn cảnh mỏ đá của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cư M'Lan. |
Xe chở khoáng sản “rồng rắn” né trạm cân
Trước đó như Khoa học và Đời sống/ Báo Tri thức và Cuộc sống đã đưa tin về tình trạng xe vận chuyển khoáng sản nhưng không qua trạm cân, camera giám sát mà chở thẳng đến nơi tiêu thụ.
Ngày 14/8/2023 phóng viên có mặt tại mỏ đá của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cư M'Lan (mỏ đá Cư M'Lan) tại xã Cư M'lan, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.
Theo ghi nhận, mỏ đá Cư M'lan có lắp đặt trạm cân tại vị trí đường ra của khu vực khai thác và có lắp đặt camera giám sát trước các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu theo quy định.
Tuy nhiên, quan sát thực tế cho thấy không hiểu vì lý do gì, sau khi đã vận chuyển khoáng sản từ khu vực khai thác ra, nhiều phương tiện mang biển kiểm soát (78H - 040.60, 49H - 025.49,...) đã đi thẳng thay vì di chuyển vào trạm cân và qua camera giám sát. Trong thời gian phóng viên có mặt tình trạng trên diễn ra thường xuyên tại khu vực mỏ.
Toàn cảnh xe qua trạm cân và né trạm cân tại mỏ đá Cư M'Lan, tại xã Cư M'lan, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. |
Việc các phương tiện vận chuyển khoáng sản “né” trạm cân như vừa nêu sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý tài nguyên khoáng sản và kiểm soát tải trọng phương tiện trên địa bàn nói riêng và gây thất thu ngân sách Nhà nước nói chung.
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Trần Thị Hà, Giám đốc Công ty luật TNHH Pharos, đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Hành vi các phương tiện “né” trạm cân là hành vi vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản dẫn đến việc khai báo sản lượng không đúng, không có thông tin, cơ sở để thống kê sản lượng đã khai thác làm cho cơ quan có thẩm quyền khó khăn trong việc giám sát hoạt động khai thác khoáng sản. Theo Khoản 1 Điều 43 Nghị định số 158/2016 quy định: “Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải lưu trữ chứng từ, tài liệu quy định tại Điều 41 Nghị định này từ khi bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ cho đến khi kết thúc khai thác, đóng cửa mỏ và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan quản lý Nhà nước về khoáng sản về tính chính xác của thông tin, số liệu”.
Luật sư Trần Thị Hà, Giám đốc Công ty luật TNHH Pharos, đoàn luật sư TP Hà Nội. |
"Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản không lập sổ sách, chứng từ, tài liệu hoặc lập nhưng không đầy đủ; lập nhưng không lưu giữ đầy đủ hoặc số liệu, thông tin không chính xác dẫn tới thất thoát ngân sách Nhà nước sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”.
Để có thông tin khách quan phóng viên đã đặt lịch làm việc và cung cấp hình ảnh, video về hoạt động xe né trạm cân cho UBND huyện Ea Súp, nhưng không hiểu vì sao khi đoàn kiểm tra của huyện xuống lại không ghi nhận được tình trạng trên?
Trước việc xe chở khoáng sản từ các mỏ đá và cát trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk né trạm cân, có dấu hiệu trốn thuế gây thất thu ngân sách Nhà nước. Ngày 7/8/2023 phóng viên đã đặt lịch làm việc với Cơ quan Công an, Cục Thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.
Về quy định xử phạt, Tại khoản 3 Điều 54 Nghị định 36/2020 quy định: “Phạt tiền đối với một trong các hành vi, không cung cấp đầy đủ các văn bản, tài liệu, sổ sách để xác định sản lượng khai thác khoáng sản thực tế, thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác hàng năm; kê khai sản lượng khoáng sản khai thác thực tế của kỳ báo cáo, tổng sản lượng hoặc trữ lượng khoáng sản đã khai thác, trữ lượng khoáng sản còn lại trong báo cáo định kỳ sai (thấp hơn) quá từ 10% trở lên so với số liệu sản lượng khoáng sản khai thác thực tế xác định từ nguồn thống kê chứng từ nộp thuế tài nguyên; thống kê số liệu qua trạm cân; xác định từ bản đồ hiện trạng, mặt cắt hiện trạng trong năm; không lưu giữ, bảo vệ khoáng sản đã khai thác nhưng chưa sử dụng; khoáng sản tại bãi thải hoặc khoáng sản đi kèm nhưng chưa thu hồi trong quá trình khai thác, cụ thể như sau:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp giấy phép khai thác khoáng sản do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này;
c) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp”.
Hơn nữa, đơn vị khai thác có thể bị đình chỉ từ 03 đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định nêu trên trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần theo điểm c khoản 5 Điều 54 của Nghị định.
Ngoài ra, đơn vị khai thác còn chịu trách nhiệm trước pháp luật về nghĩa vụ thuế đối với sai phạm trên nếu lợi dựng việc “né” trạm cân nhằm trốn thuế.