Chuyên gia về bệnh khô mắt và bệnh lý bề mặt nhãn cầu Christopher Starr, MD, thành viên Hội Nhãn khoa Hoa kỳ và cũng là bác sĩ mắt sẽ làm sáng tỏ các loại thuốc nhỏ mắt và giải thích cách chọn loại tốt nhất cho bệnh nhân.
Cần phải biết loại khô mắt mắc phải
“Nếu bạn đang bị khô hoặc kích ứng ở mắt và phải sử dụng chất bôi trơn loại không cần kê đơn hơn hai hoặc ba lần mỗi ngày thì điều quan trọng là phải gặp bác sĩ mắt và được kiểm tra toàn diện. Chất bôi trơn có thể giúp giảm triệu chứng trong thời gian ngắn cho hầu hết mọi loại bệnh trên bề mặt mắt nhưng bạn vẫn cần được điều trị bệnh lý nền cơ bản gây ra những triệu chứng đó.”
Bác sĩ sẽ giúp xác định các loại bệnh khô mắt (Dru eye) và bệnh lý bề mặt nhãn cầu (Ocular surface disease) mà bạn mắc phải, kê đơn các liệu pháp điều trị bệnh và đưa ra khuyến nghị phù hợp với nhu cầu chính đáng của bạn, bao gồm cả loại thuốc bôi trơn phù hợp.
Có hai dạng bệnh khô mắt chính: khô mắt do bay hơi và khô mắt thiếu nước
Khô mắt bay hơi xảy ra khi lớp dầu của màng nước mắt bị thiếu hụt, khiến nước mắt bay hơi nhanh chóng. Hầu hết mọi người đều mắc loại bệnh khô mắt này. Khô mắt do thiếu nước xảy ra khi cơ thể bạn không sản xuất đủ nước mắt và thường do bệnh tự miễn dịch như Hội chứng Sjogrens gây ra.
Đối với bệnh khô mắt bay hơi, Tiến sĩ Starr thường khuyên dùng chất bôi trơn có thành phần gốc lipid hoặc dầu, có thể giúp làm dày màng nước mắt và giảm sự bay hơi quá mức. Hãy tìm một thuốc tra nhỏ có bất kỳ loại “dầu” nào trong thành phần và/hoặc đề cập cụ thể đến “khô mắt bay hơi”.
Đối với bệnh khô mắt do thiếu nước: hãy tìm loại thuốc nhỏ bôi trơn có những từ khóa trên bao bì: “giảm trương lực” hoặc “ giảm thẩm thấu ”. Những thuốc nhỏ này thường mỏng hơn và nhẹ hơn những giọt gốc dầu, đồng thời sẽ làm tăng lượng nước mắt và làm ẩm ướt lại bề mặt nhãn cầu của bạn.
Nhưng đừng lo lắng nếu bạn đang sử dụng cái ngược lại. Thực sự không có sự lựa chọn 'sai' vì nhiều trường hợp bệnh khô mắt là do nhiều nguyên nhân khác nhau hoặc có nhiều nguyên nhân lồng ghép. Các chất bôi trơn không kê đơn hầu như luôn mang lại cảm giác dễ chịu. Vì vậy, hãy thoải mái thử nghiệm các loại thuốc nhỏ khác nhau để xem loại nào phù hợp nhất.
Bác sĩ mách cách bôi trơn chữa bệnh khô mắt hiệu quả |
Tránh xa “thuốc giảm đỏ mắt” và thuốc nhỏ mắt không được phê duyệt
Có một vài loại thuốc mà bệnh nhân nên tránh thử nghiệm. Hãy cẩn thận với các loại thuốc nhỏ mắt được bán trên thị trường để làm giảm đỏ mắt vì chúng thường chứa chất co mạch, thực sự có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng và đỏ mắt vẫn kéo dài theo thời gian. Các thành phần cần tránh xa bao gồm tetrahydrozoline và naphazoline .
Tiến sĩ Starr cho biết thuốc nhỏ chứa Brimonidine đôi khi an toàn hơn và hiệu quả hơn. Nhưng tác dụng lâu dài của thuốc Brimonidine vẫn chưa rõ ràng. Điều quan trọng là phải gặp bác sĩ nhãn khoa để xác định nguyên nhân gây đỏ mắt thay vì tự điều trị. Ngoài ra, trước một số đợt thu hồi đáng kể, hãy tránh tất cả các loại thuốc nhỏ được liệt kê trong danh sách thu hồi của FDA.
Khi nào nên sử dụng thuốc nhỏ mắt không chất bảo quản
Chất bôi trơn có chất bảo quản có thời hạn sử dụng lâu hơn và thường có giá thấp hơn so với chất bôi trơn không có chất bảo quản. Chất bôi trơn không chứa chất bảo quản có công nghệ tinh vi được tích hợp ở đầu lọ thuốc giúp lọc vi khuẩn, giảm nguy cơ nhiễm trùng mắt.
Tiến sĩ Starr cho biết nếu bạn chỉ thỉnh thoảng sử dụng chất bôi trơn (tức là một vài giọt mỗi tuần) thì loại được bảo quản có thể an toàn. Nhưng nếu bạn nhỏ thuốc bôi trơn hơn bốn lần một ngày trong một thời gian dài thì hãy nhớ dùng loại nhỏ giọt không chứa chất bảo quản.
Nên dùng thuốc nhỏ đơn liều hay thuốc đa liều
Chất bôi trơn không chứa chất bảo quản có sẵn trong các hộp đựng lớn hơn, nhiều liều hoặc trong nhiều chai đơn liều nhỏ hơn nhằm giảm nguy cơ nhiễm bẩn chai và nhiễm trùng mắt hơn nữa. Tuy nhiên, không có lý do gì phải lo sợ về việc đóng gói nhiều liều miễn là công ty đó có uy tín và sử dụng công nghệ mới nhất. Điều cần cân nhắc là chi phí, sự thuận tiện và tác động đến môi trường. Phương pháp điều trị đơn liều thường đắt hơn trong khi chai đa liều giúp giảm lượng rác thải nhựa và môi trường.
Lựa chọn giữa thuốc nhỏ mắt hoặc gel hay thuốc mỡ
Những giọt gel đặc hơn những giọt bôi trơn dạng lỏng. Thuốc mỡ là loại chất bôi trơn dày nhất, đậm đặc nhất và được phân phối từ ống chứ không phải từ chai.
Tiến sĩ Starr cho biết: “Chất bôi trơn càng đặc thì càng có xu hướng tồn tại trên bề mặt mắt lâu hơn. Nhưng dày hơn thường đồng nghĩa là gây mờ nhiều hơn hoặc kéo dài hơn sau khi đặt vào mắt. Vì lý do đó người ta thường khuyên dùng dạng lỏng vào ban ngày và gel và/hoặc thuốc mỡ vào ban đêm.
Nên sử dụng chất bôi trơn dạng lỏng nếu bạn đang làm việc, đọc sách, xem TV, lái xe hoặc làm bất cứ việc gì đòi hỏi tầm nhìn cao. Nhưng nếu bạn đang thư giãn sau giờ làm việc hoặc vào cuối tuần, thuốc nhỏ dạng gel có thể giúp làm dễ chịu lâu hơn. Nếu mi mắt của bạn không nhắm lại hoàn toàn (lagophthalmos) hoặc bạn mắc hội chứng nhão mi nghiêm trọng hoặc cảm thấy khó chịu ở mắt khi ngủ, bác sĩ mắt khuyên dùng thuốc mỡ vào ban đêm. Hãy coi đó là điều cuối cùng bạn làm trước khi đi ngủ. Cách tra thuốc mỡ là: kéo mi dưới của bạn xuống, tra khoảng 1cm thuốc mỡ vào đó và nhắm mắt lại để thuốc mỡ phân bố khắp bề mặt mắt.
Có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt với kính áp tròng?
Hãy sử dụng chất bôi trơn không có chất bảo quản và đảm bảo bạn chọn loại có ghi rõ “an toàn/được thiết kế để đeo kính áp tròng” trên bao bì nếu bạn nhỏ thuốc khi đeo kính.
Đối với tất cả các loại thuốc nhỏ khác, trước tiên hãy nhớ lấy kính áp tròng ra , đợi năm phút, nhỏ thuốc bôi trơn vào, sau đó đợi thêm 10-15 phút nữa trước khi đeo kính áp tròng trở lại. Nếu bạn nhỏ thuốc không có công thức dành cho đeo kính áp tròng ngay phía trên thấu kính, mắt bạn có thể bị kích ứng. Tiến sĩ Starr đề xuất nếu điều này xảy ra, hãy cân nhắc việc vứt kính tiếp xúc và thay thế bằng một kính mới.
Sử dụng thuốc nhỏ mắt trong quá trình phục hồi sau phẫu thuật mắt
Mọi người có xu hướng xuất hiện các triệu chứng khô hoặc kích ứng trầm trọng hơn sau khi phẫu thuật Lasik, đục thủy tinh thể hoặc các phẫu thuật mắt khác. Bạn nên chọn loại thuốc nhỏ không có chất bảo quản để giảm nguy cơ nhiễm độc và cân nhắc sử dụng loại thuốc nhỏ dạng lỏng ít có khả năng làm mờ tầm nhìn của bạn khi bạn hồi phục.
Đi khám mắt nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng mắt nào
Hãy thông báo cho bác sĩ nhãn khoa nếu mắt bạn rất đỏ, đau chảy nước hoặc nhạy cảm với ánh sáng. Tương tự như vậy nếu bạn bị mờ mắt hoặc nhận thấy xuất tiết mủ chảy ra từ mắt. Đây có thể là triệu chứng báo hiệu các vấn đề nghiêm trọng về mắt.
Điều quan trọng là: không có nhãn thuốc nhỏ mắt nào phù hợp với tất cả mọi người. Bạn có thể cần phải thử nhiều loại khác nhau trước khi tìm thấy một hoặc dùng thuốc phối hợp phù hợp nhất với mình.
TS.BS Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt TƯ)