Các bác sĩ đầu ngành truyền nhiễm tham dự hội thảo |
Đó là nhận định của TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TPHCM tại Hội thảo khoa học “Thách thức mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh truyền nhiễm” diễn ra ngày 26/10.
Một nghiên cứu của nhóm bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho thấy, từ năm 2016 đến năm 2018, có 5 loại vi khuẩn thường gặp nhất và có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất là A.baumannii, E.coli, S.aureus, K.pneumoniae, P.aeruginosa. Trong đó, vi khuẩn A.baumannii kháng hầu hết các loại kháng sinh, kháng luôn cả kháng sinh họ Carbapenem (họ kháng sinh có phổ tác dụng lớn nhất và được ưu tiên sử dụng điều trị các nhiễm khuẩn nặng) và chỉ còn nhạy cảm với Colistin.
Kháng kháng sinh đang là một thách thức rất lớn trong điều trị bệnh truyền nhiễm |
Đáng lo ngại, tỷ lệ đề kháng kháng sinh này đang tăng dần qua các năm, đến năm 2018 thì đề kháng trên 90% với hầu hết các kháng sinh. Các vi khuẩn khác như K.pneumoniae đề kháng carbapenem trên 30%. Các trực khuẩn gram âm B.pseudomallei, A.eromonas sp., V.vulnificus tuy xuất hiện với tỷ lệ thấp và tỷ lệ đề kháng kháng sinh còn thấp nhưng gây nhiễm khuẩn huyết và viêm mô tế bào nghiêm trọng.
Nguyên nhân của tình trạng kháng kháng sinh được các bác sĩ chỉ ra là do thói quen tự mua thuốc khi mắc bệnh của không ít người dân, tình trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi trong trồng trọt, chăn nuôi.... TS.BS Lê Quốc Hùng – Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho hay, có khoảng 91% phụ nữ ở nông thôn, 88% phụ nữ ở thành thị có thói quen mua thuốc ở các nhà thuốc bên ngoài khi có các triệu chứng cảm, sốt nhẹ. Thậm chí nhiều người dù khoẻ mạnh nhưng có tâm lý rằng uống thuốc để phòng ngừa bệnh
Bên cạnh đó là tình trạng lạm dụng chỉ định kháng sinh không cần thiết của một số bác sĩ như trường hợp bệnh nhân không bị bệnh lý nhiễm khuẩn nhưng lại được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh, hoặc chỉ định sử dụng kháng sinh không thích hợp như chọn kháng sinh khởi đầu không phù hợp, chọn sai liều dùng, sai đường dùng...
Ngoài ra, cơ sở y tế cũng là tác nhân gây nên tình trạng kháng kháng sinh khi thực tế nhiều cơ sở không thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm vi sinh trước và trong quá trình điều trị kháng sinh; không tổng kết, thu thập, báo cáo thông tin khi điều trị thất bại; không thực hiện chế độ kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện....
Thời gian qua, tại một số bệnh viện tuyến cuối tại TPHCM như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhân dân Gia Định... đã xây dựng chương trình quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện nhằm giúp các bác sĩ lâm sàng lựa chọn kháng sinh điều trị có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ gia tăng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn vẫn có khuynh hướng tiếp tục gia tăng, tỷ lệ xuống thang kháng sinh hợp lý còn chưa được cải thiện đáng kể… Bên cạnh đó, việc nghiên cứu kháng sinh mới còn chậm đã trở thành thách thức không nhỏ trong công tác điều trị các bệnh truyền nhiễm.