<div><strong>Cạo gió đúng cách cần những cái gì?</strong></div> <p>Chị Ngọc Anh (ở Trần Khát Chân, Hà Nội) lên Hà Giang công tác dịp đầu đông. Chị rất cẩn thận chuẩn bị đủ các loại thuốc từ đau bụng, tới viêm họng, cảm lạnh… Thế mà lên Hà Giang được hai ngày, chị thấy gai người, ớn lạnh, người như kiệt sức. Biết là đã bị cảm lạnh, chị Ngọc Anh nhờ người cạo gió. Chỉ sau một đêm, sáng dậy chị đã thấy người đỡ đau nhức hẳn.</p> <p>Anh trai chị Nguyễn Thị Liên (ở Hà Đông, Hà Nội) là Việt kiều về thăm mẹ ốm. Tuần đầu tiên về nhà anh đã đi chơi, tập thể dục. Tuần sau thì có gió mùa, anh vẫn mặc quần short với áo ba lỗ đi tập thể dục, rồi xem đá bóng. Anh cho mình là thanh niên khỏe mạnh, rét này ăn thua gì với cái lạnh âm độ bên tây.</p> <p>Sáng hôm sau thì anh trai chị Liên kêu không hiểu mắc bệnh gì mà chóng mặt không ngồi dậy được, buồn nôn, rất khó chịu. Nghi anh bị cảm lạnh, chị Liên đánh gió rồi ép anh ăn thêm bát cháo hành, tía tô. Chỉ sau vài giờ đồng hồ, những triệu chứng chóng mặt, buồn nôn của anh trai chị Liên thuyên giảm.</p> <p>Theo lương y Phạm Anh Đào (nguyên bác sĩ Viện Y học cổ truyền Quân đội), nhiều người gọi cảm lạnh là trúng gió, hàn khí xâm nhập qua lỗ chân lông, da, đường hô hấp vào cơ thể gây đau đầu, sổ mũi, toàn thân đau nhức mỏi mệt… Cạo gió tác động lên vùng cơ bị đau, nhức mỏi kết hợp tính nóng của dầu xoa làm giãn cơ, giúp lưu thông khí huyết nên khỏi bệnh.</p> <p>Khi có các dấu hiệu của cảm lạnh dẫn đến cơ thể mệt mỏi rã rời, đầu choáng váng, đau đầu, cổ, vai gáy…) mà cạo gió bệnh nhân sẽ thấy triệu chứng lui dần và khỏi. Cách cạo gió đúng như sau:</p> <p>Chọn vật có cạnh hình cung tròn, nhẵn và cứng (lược, thìa canh, miệng chén, nắp lọ dầu, thìa, đồng xu…) để cạo lên vùng đau. Nếu không có thì giật gió ở vùng đau, vị trí không cạo được cho đến khi “lên gió” (vùng da ửng đỏ, hoặc đỏ bầm).</p> <p>Phổ biến là dùng sừng trâu (một vị thuốc Đông y giúp tán chướng khí, thông khí huyết), củ gừng (an toàn, tính ấm, dùng đầu gừng cạo tới khi tà đầu thì cắt bỏ, tạo đầu mới), đồ bạc có cạnh tròn, hình cung (giúp tiêu trừ hàn độc).</p> <p>Theo phân tích của BS Trịnh Liên Việt, Trưởng khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP Hồ Chí Minh), cạo gió trị cảm lạnh hữu hiệu, giúp tác động cơ học lên vùng cơ bị nhức mỏi. Hương tinh dầu tác động qua da, khứu giác làm êm dịu thần kinh tại chỗ và toàn thân, giãn cơ, giãn mạch máu tại vùng đau nhức, cơ thể bệnh nhân ấm nóng, dễ chịu, rút ngắn thời gian bị bệnh… nhất là với người ở xa các cơ sở y tế. Khi cạo gió bệnh nhân được chia sẻ tâm lý khi ốm đau, rất tốt cho tinh thần.</p> <p>Theo hướng dẫn của bác sĩ Hoàng Khánh Toàn (Khoa Đông y, BV 108), khi cạo gió nên để bệnh nhân nằm yên tĩnh nơi kín gió. Sát trùng dụng cụ cạo gió (cả trước và sau khi cạo), thoa dầu gió lên vùng đau, rồi cầm thẳng vật cạo miết lực vừa phải một chiều từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài (tùy người mà dùng lực mạnh – nhẹ).</p> <p>Cạo ở lưng ở hai bên xương sống từ vai xuống thắt lưng (là đường bàng quang kinh), có nhiều huyệt chủ trị chứng sốt lạnh, nghẹt mũi, đau đầu, cứng cổ, đau thắt lưng...), và các huyệt tương ứng với từng tạng phủ, điều hòa khí huyết, nâng cao chính khí, trục tà khí đang xâm nhập vào cơ thể…</p> <p>Cạo ở tay dọc cánh tay mặt (theo mặt trước và mặt trong theo lòng bàn tay).</p> <p>Vùng ngực cạo từ trong ra ngoài, lực nhẹ hơn, miết dài và đều. Nếu bị ho, ngứa họng thì cạo thêm dọc xương mỏ ác.</p> <p>Cổ, bụng, chân cạo từ trên xuống dưới.</p> <p>Mỗi vùng cạo 3-5 phút sẽ nổi vết đỏ tím. Không nên cạo quá 10 phút. Cũng không dùng lực mạnh quá để tạo vết (vì có thể gây bầm giập, rướm máu, trầy xước, xuất huyết dưới da…), cạo xong vùng này mới cạo sang chỗ khác.</p> <p><strong>Những người không nên cạo gió</strong></p> <p>BS Hoàng Khánh Toàn khuyên, khi cảm mạo, nhiễm lạnh, nhức mỏi tay chân… thì cạo gió ít nhiều có hiệu quả tức thì, rẻ tiền, dễ làm, thuận tiện, hiệu quả. Nhưng trong mọi trường hợp vẫn rất cần có bác sĩ khám và chỉ định dùng thuốc cụ thể. Và người bệnh cần tăng cường sức đề kháng miễn dịch bằng nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn uống ít mỡ để rút ngắn thời gian bị bệnh.</p> <p>Với những người sau thì không nên cạo gió:</p> <p>Người bệnh tim, cao huyết áp, phụ nữ có thai và người bị các bệnh da liễu không nên cạo gió.</p> <p>Người bị cảm lạnh nhưng cơ thể có dấu hiệu suy nhược cũng cần tránh cạo gió để tránh mất huyết, vỡ mạch, ép cơ thể phải sản sinh ra huyết nhiều hơn.</p> <p>Người bị suy nhược (do bệnh lý nào đó như đau đầu chóng mặt vì cao huyết áp, viêm xoang…) thì nên đến cơ sở y tế khám để có một chẩn đoán xác định và phương thức điều trị thích hợp.</p> <div> <p><strong>Lưu ý khi cạo gió:</strong></p> <p>- Nên cạo gió trong phòng ấm áp, tránh gió lùa, giữ ấm cho bệnh nhân.</p> <p>- Không cạo chỗ có vết lở loét, phần bụng người có thai, người da mẫn cảm, có bệnh về da, có bệnh khó đông máu.</p> <p>- Không nên dùng dầu xoa có tinh dầu bạc hà (menthol), vì bốc hơi nhanh.</p> <p>- Trước và sau khi dùng phải khử trùng vật cạo. Không dùng vật sắc cạnh, cứng để cạo gió vì dễ gây tổn thương da, nhiễm trùng, lây lan bệnh.</p> <p>- Chủ yếu cạo dọc hai bên cột sống, không nhất thiết phải cạo đến đỏ bầm.</p> <p>- Không nên cạo vùng cơ cổ.</p> <p><strong>Sau khi cạo gió cần:</strong></p> <p>- Tuyệt đối không tắm rửa bằng nước lạnh trong 1 giờ.</p> <p>- Nên uống một cốc nước nóng (sữa, trà gừng nóng, hoặc pha thêm chút muối), tốt nhất ăn bát cháo có hành, tía tô để giải cảm, rồi đắp chăn để ra mồ hôi.</p> <p>- Giữ ấm cơ thể, không đi ra ngoài ngay sau khi cạo gió để tránh bị cảm lại.</p> <p>- Mùa hè cần học cách phân biệt (cảm lạnh thường ít sốt, gai gai lạnh; Trong khi cảm phong nhiệt (sẽ nóng, không sợ lạnh, khô môi, nước tiểu vàng, ra mồ hôi), hoặc say nắng thì cạo gió rất nguy hiểm, dễ tai biến (bị liệt mặt, méo mồm, xuất huyết não...).</p> <p style="text-align: right;"><i>Lương y <strong>Phạm Anh Đào</strong></i></p> <p style="text-align: right;"><i>(Nguyên bác sĩ Viện Y học cổ truyền Quân đội)</i></p> </div> <p style="text-align: right;"> </p>