Tác nhân nào gây thủng ổ loét hành tá tràng?
Sau ăn: Thủng ổ loét có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào, nhưng thủng hay xảy ra ngay sau bữa ăn hoặc sau ăn vài giờ.
Stress: Các chấn thương tinh thần, sau phẫu thuật lớn, sang chấn về tâm lý, tình cảm có thể là yếu tố thuận lợi gây thủng
Sử dụng các thuốc gây loét: Thuốc giảm đau không steroid, thuốc cortison lâu dài để điều trị các bệnh mạn tính, có đến 40-50% bệnh nhân thủng ổ loét dạ dày - tá tràng có liên quan đến sử dụng các thuốc gây loét.
Chất kích thích: Rượu, cafein, nicotin trong thuốc lá cũng có vai trò tăng tiết acid, ức chế quá trình liền sẹo của ổ loét dạ dày - tá tràng, có đến 23% trường hợp loét dạ dày - tá tràng có liên quan đến thuốc lá
Vi khuẩn Helicobacter pylori (H.P): Nhiễm H.P là một trong nhiễm khuẩn phổ biến nhất trên thế giới, có đến 50-80% các trường hợp thủng ổ loét dạ dày tá tràng có dương tính với H.P. Ở trẻ em, 90% lỗ thủng được xác định có nhiễm H.P.
Di truyền: Gen cũng là một yếu tố liên quan đến vi khuẩn H.P và loét dạ dày- tá tràng, alen DQ*0102 thường thấy hơn ở bệnh nhân không nhiễm H.P.
Ngoài ra, còn một số yếu tố liên quan khác đến loét dạ dày - tá tràng đó là nghiện rượu hoặc các bệnh lý gây tăng tiết gastrin (gastrinoma, hội chứng Zollinger - Ellison).
Bác sĩ chỉ rõ tác nhân gây viêm loét dạ dày, hành tá tràng |
Các triệu chứng nghi ngờ thủng ổ loét dạ dày, hành tá tràng
Đau bụng: Đau bụng thường xuất hiện đột ngột, dữ dội vùng thượng vị, vùng mũi ức, trên rốn,"đau như dao đâm" là triệu chứng để mô tả tính chất đau trong thủng ổ loét hành tá tràng.
Bệnh nhân đau dữ dội nên thường gập người về phía trước khi đi, hai chân ép vào bụng khi nằm, đau làm bệnh nhân sợ di chuyển, vẻ mặt hốt hoảng, toát mồ hôi, chi lạnh. Triệu chứng này gặp trên 80% trường hợp.
Nôn, ợ hoặc nấc nhiều: Khoảng 15% bệnh nhân có nôn và buồn nôn. Nôn ra dịch nâu đen nếu có hẹp môn vị, ít khi có nôn ra máu nhưng nếu có thì là trường hợp rất nặng, tiên lượng xấu, cần xử lý kịp thời.
Bí trung đại tiện: Ít có giá trị vì là dấu hiệu muộn, khi đã có viêm phúc mạc toàn thể làm liệt ruột.
Tiền sử loét dạ dày tá tràng: Đa số bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày tá tràng nhiều năm, ở một số bệnh nhân, thủng dạ dày là dấu hiệu đầu tiên của bệnh.
Cách phát hiện thủng ổ loét dạ dày, hành tá tràng
Lâm sàng:
Toàn thân: có thể có dấu hiệu sốc thoáng qua, nếu đến muộn, bệnh nhân thường trong tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng do viêm phúc mạc nhiễm khuẩn. Sốt cao 39-40 độ, vẻ mặt hốc hác, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi, mạch nhanh, huyết áp có thể tụt và có thể dẫn tới tình trạng sốc thực sự do nhiễm khuẩn.
Thực thể: Bệnh nhân thở nông, bụng nằm im không di động theo nhịp thở, bệnh nhân hoàn toàn thở bằng ngực, có khi bụng hơi trướng. Hai cơ thẳng to nổi rõ, các vách cân ngang cắt thành từng múi.
Sờ nắn bụng thấy thành bụng co cứng và đau. Dấu hiệu co cứng thành bụng thường điển hình, khi sờ nắn có cảm giác cứng như sờ vào một mảnh gỗ và được mô tả là bụng cứng như gỗ
Gõ bụng: Bệnh nhân nằm ngửa hoặc tư thế nửa nằm nửa ngồi và gõ bụng thấy mất vùng đục trước gan vì với tư thế đó hơi sẽ lách lên cao vào dưới cơ hoành và trước gan
Thăm trực tràng, âm đạo thấy túi cùng Douglas phồng và đau. Đây là dấu hiệu có giá trị của viêm phúc mạc.
Cận lâm sàng:
- XQ bụng không chuẩn bị: hình ảnh liềm hơi dưới hoành
- Siêu âm ổ bụng có thể thấy đường tăng âm với hình ảnh “rèm cửa” với sự phản âm phía sau nằm giữa bờ gan và mặt sau của thành bụng. Siêu âm còn giúp phát hiện được dịch trong ổ bụng, tính chất và số lượng dịch, đặc biệt là ở dưới gan, rãnh đại tràng và túi cùng Douglas
- Chụp cắt lớp vi tính: Chụp cắt lớp vi tính có độ nhạy và độ chính xác cao trong việc phát hiện sớm khí tự do trong ổ bụng, bệnh nhân ở tư thế nằm sẽ thấy khí xuất hiện ngay dưới thành bụng trước, đôi khi thấy khí ở cả hai bên dây chằng tròn, hậu cung mạc nối. Việc mở cửa sổ hình ảnh giúp phân biệt được là khí trong ổ bụng và tổ chức mỡ.
BS Nguyễn Hàm Hội – BS Đỗ Văn Minh (Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai)