Bác sĩ chỉ rõ nguyên nhân gây ngực căng đau, tức và những rủi ro

Có rất nhiều nguyên nhân gây đau tức ngực và biến chứng nguy hiểm của nó nên cần biết để phòng chữa kịp thời.

Nội tiết

Ngực mềm hoặc căng thường liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố trước kỳ kinh nguyệt, mang thai hoặc mãn kinh. Triệu chứng bao gồm đau ở cả 2 vú và có thể lan đến nách. Ngực căng đau có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt được gọi là đau vú theo chu kỳ, một phần của các triệu chứng xảy ra trước kỳ kinh hay hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS).

PMS chỉ mang tính tạm thời, điều trị các triệu chứng bằng cách dùng thuốc giảm đau không kê đơn (OTC), mặc áo ngực thoải mái và chườm nóng nhẹ nhàng để làm dịu cơn đau.

U nang vú

U nang vú là túi chứa đầy chất lỏng (không phải ung thư) tương đối mềm và phổ biến hơn ở phụ nữ tiền mãn kinh. Một số u nang không có triệu chứng, số khác gây đau và tiết dịch núm vú. Trừ khi các u đặc biệt lớn hoặc gây đau, u nang không cần điều trị. Nếu cần điều trị, bác sĩ sẽ rút chất lỏng ra bằng kim.

Xơ nang tuyến vú

Những thay đổi về xơ nang tuyến vú thường là những triệu chứng vô hại nhưng gây khó chịu, khiến ngực có cảm giác gồ ghề hoặc mật độ không đều do sự dao động nội tiết tố. Xơ nang vú là tình trạng vú không phải ung thư phổ biến nhất.

Các triệu chứng bao gồm:

- Cảm giác ngực săn chắc hoặc dày hơn bình thường.

- Vú nhạy đau.

Giảm đau khi xơ nang vú bằng cách:

- Dùng thuốc giảm đau thông thường.

- Chườm mát hoặc ấm.

- Tránh ăn nhiều muối, caffeine hoặc chất béo.

- Bắt đầu hoặc ngừng thuốc tránh thai.

Những thay đổi về xơ nang ở vú có thể liên quan đến phương pháp tránh thai mới, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào về liều lượng.

Đau tức ngực do nhiều bệnh lý chớ nên chủ quan - Ảnh minh họa

Đau tức ngực do nhiều bệnh lý chớ nên chủ quan - Ảnh minh họa

Ung thư vú

Ung thư vú xảy ra khi các tế bào ở vú biến đổi và tiến triển không kiểm soát. Ngực căng đau, tức ít khi do ung thư. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

- Khối u ở vú.

- Đau ở bất kỳ phần nào của vú.

- Dịch tiết núm vú có máu, trong.

- Lúm đồng tiền hoặc kích ứng da vú.

Số ít trường hợp bị ung thư vú dạng viêm, gây các triệu chứng như:

- Đau.

- Thay đổi màu da.

- Sưng tấy.

Các lựa chọn điều trị ung thư vú bao gồm: phẫu thuật, hóa trị, liệu pháp hormone, xạ trị và liệu pháp nhắm mục tiêu. Bác sĩ thường kết hợp nhiều phương pháp điều trị để tăng cơ hội chữa khỏi bệnh.

Thuốc

Một số loại thuốc có thể làm ngực căng và đau, bao gồm:

- Các chế phẩm digitalis, chẳng hạn như digoxin (Digox), điều trị suy tim sung huyết và nhịp tim bất thường.

- Chlorpromazine (thorazine) là loại thuốc điều trị rối loạn sức khỏe tâm thần.

- Một số thuốc lợi tiểu như eplerenone (inspra) hoặc spironolactone (aldactone).

- Oxymetholone (anadrol) điều trị số lượng hồng cầu thấp.

- Methyldopa (aldomet) là thuốc điều trị huyết áp cao.

- Người bệnh ngực đau căng tức nên hỏi bác sĩ về các loại thuốc có thể gây ngực bị đau và căng để cân nhắc trước khi sử dụng.

Cấu trúc vú thay đổi do vết mổ

Cả phẫu thuật và xạ trị ung thư vú đều làm xuất hiện các mô sẹo, dẫn đến tê, đau làm ngực căng tức và thay đổi kết cấu cũng như hình dáng vú.

Các lựa chọn điều trị bao gồm:

- Vật lý trị liệu.

- Phẫu thuật cắt bỏ mô sẹo.

- Sử dụng kem và thuốc mỡ để giảm mô sẹo.

Trào ngược axit

Trào ngược axit xảy ra khi axit dạ dày liên tục chảy ngược lên thực quản, điểm nối giữa miệng và dạ dày. Cảm giác này còn được gọi là ợ nóng. Do ngực và thực quản quá gần nên chứng ợ nóng có thể giống đau thắt ngực.

Ngoài tức ngực, các dấu hiệu trào ngược axit bao gồm:

- Vị đắng hoặc axit trong miệng.

- Cảm giác nóng rát ở ngực, thường là sau khi ăn hoặc vào ban đêm.

- Cơn đau tăng lên khi nằm hoặc cúi xuống.

Hoạt động thể chất

Đau vú có thể bắt nguồn từ bên ngoài vú. Ví dụ, bong gân hoặc chấn thương ở lưng, cổ hoặc vai có thể gây đau ở vú.

Cho con bú

Cho con bú đôi khi là nguyên nhân gây đau vú, cụ thể:

- Núm vú bị đau do bé ngậm vú không đúng cách.

- Cảm giác ngứa ran khi bé bú (khi sữa bắt đầu chảy).

- Núm vú đau nhức do bị cắn hoặc da khô, nứt nẻ hoặc nhiễm trùng.

- Nếu bị đau khi cho con bú, tốt nhất người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc cho con bú. Bác sĩ sẽ giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn khi cho con bú.

Nhiễm trùng vú

Phụ nữ cho con bú có nhiều khả năng bị nhiễm trùng vú (viêm vú). Đôi khi, vấn đề cũng xảy ra ở những phụ nữ khác. Nếu bị nhiễm trùng vú, người bệnh có thể bị sốt và có các triệu chứng ở 1 bên vú, bao gồm:

- Đau 1 bên vú.

- Đỏ.

- Sưng tấy.

Nếu nghi ngờ bản thân bị nhiễm trùng vú, người bệnh nên đến khám tại các khoa Ngoại Vú uy tín. Phương pháp điều trị bao gồm thuốc kháng sinh và giảm đau.

BS Nguyễn Xuân Tuấn (Giảng viên Trường ĐH Y dược, Đại học quốc gia Hà Nội)

Theo Đời sống
back to top