Chức năng của vitamin trong cơ thể:
Vitamin là những hợp chất hữu cơ mà cơ thể không thể tự tổng hợp được, phần lớn phải lấy từ ngoài vào qua các loại thực phẩm sử dụng hằng ngày. Vitamin tồn tại trong cơ thể với một lượng nhỏ nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự sống cũng như các hoạt động sống của cơ thể.
Vitamin là một trong những thành phần thiết yếu cấu tạo nên tế bào, cần thiết cho sự phát triển và duy trì sự sống của các tế bào.
Tham gia vào quá trình chuyển hóa các chất.
Tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.
Tham gia điều hòa hoạt động của tim với hệ thần kinh.
Vitamin trong cơ thể như một chất xúc tác giúp đồng hóa và biến đổi thức ăn, tạo năng lượng cung cấp cho các hoạt động của cơ thể.
Vitamin có khả năng bảo vệ tế bào khỏi các tấn công của các tác nhân nhiễm trùng nhờ đặc tính chống lại quá trình oxy hóa, khử độc và sửa chữa các cấu trúc bị tổn thương.
Tham gia hỗ trợ điều trị các bệnh lý của cơ thể.
Bác sĩ chỉ rõ người có nguy cơ thiếu vitamin tổng hợp gây bệnh - Ảnh minh hoạ |
Phát sinh nhiều bệnh lý khi thiếu
Khi cơ thể bị thiếu vitamin, sức đề kháng của bạn sẽ bị suy giảm. Vì vậy, nhiều người sử dụng vitamin tổng hợp để bổ sung phần dinh dưỡng bị thiếu hụt này.
Vitamin tổng hợp là một loại sản phẩm trong thành phần chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên nên tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng đúng cách để đạt được được tác dụng và an toàn đối với sức khỏe.
Vitamin tổng hợp chứa nhiều loại vitamin khác nhau, từ đó giúp giảm nguy cơ gây ra các bệnh liên quan đến thiếu hụt vitamin như chảy máu chân răng, đau đầu, tê bì chân tay, loãng xương, rối loạn nhịp tim,..
Ngoài ra, một số báo cáo còn rút ra được các tác dụng phổ biến của vitamin tổng hợp như: Bổ sung các thành phần dinh dưỡng còn thiếu trong chế độ ăn uống hằng ngày, hỗ trợ trong quá trình phát triển và trưởng thành của trẻ nhỏ, hỗ trợ tăng cường sức khỏe xương khớp, tim mạch, não, mắt,...
Những người nguy cơ thiếu vitamin sau đây có thể bổ sung viên vitamin tổng hợp:
Người cao tuổi;
Người ăn chay, ăn kiêng;
Người bị bệnh trầm cảm;
Người không dung nạp lactose;
Người có chế độ ăn uống thiếu cân bằng;
Phụ nữ đang mang thai hoặc chuẩn bị có thai;
Người đang có vấn đề về sức khỏe, người đang bị ốm;
Người thường xuyên thức khuya, ngủ không đủ giấc, căng thẳng lo âu.
BS Đinh Minh Trí (Đại học Y dược TP HCM)