Theo TS.BS Vũ Hữu Khiêm, để có thể phát hiện sớm bệnh ung thư, theo tôi, người dân cần chú ý các điểm sau:
Thứ nhất, người dân cần đi khám sức khoẻ định kỳ, 6 tháng, 1 năm hoặc khám sức khoẻ hàng tháng, để tầm soát ung thư và các bệnh nguy hiểm khác.
Thứ hai, cần tăng cường tầm soát ung thư soát đối với các đối tượng mắc các bệnh có nguy cơ tiến triển thành ung thư. Điển hình là người mang virus viêm gan b…).
Hiện nay, tại Việt Nam có nhiều người mang virus viêm gan B, có tới 10 - 15% tiến triển thành ung thư gan và xơ gan. Chính vì vậy, người dân cần tăng cường tầm soát để kịp thời phát hiện các dấu hiệu mắc bệnh như: polyp đại tràng, dạ dày…
Ngoài ra, đối với người trong gia đình có người mắc ung thư vú thì nguy cơ mắc ung thư vú cao gấp 10 - 20 lần so với cộng đồng.
Hiện, đã có những xét nghiệm gen hiện đại để xác định ung thư, cảnh báo cho các đối tượng có nguy cơ mắc ung thư cao.
TS.BS Vũ Hữu Khiêm.
Thứ ba, người dân cần nâng cao ý thức tự khám bệnh, tự phát hiện bệnh. Hiện đã có các chương trình giúp người bệnh có thể tự khám bệnh cho bản thân. Điển hình là chương trình tự khám vú sau khi sạch kinh (tự khám trước gương, nằm khám…) khi phát hiện các biểu hiện bất thường, người dân cần các cơ sở y tế để kịp thời khám và điều trị.
Thứ tư, cần đặc biệt quan tâm đến các triệu chứng báo hiệu ung thư theo 10 khuyến cáo của Bộ Y tế. Nếu thấy có các triệu chứng như: xuất hiện các vết loét ở da, niêm mạc miệng, lưỡi; ho kéo dài, ho ra máu… cần đến bệnh viện để kiểm tra.
Khi phát hiện các dấu hiệu như: đau hạ sườn phải âm ỉ, khó tiêu, đầy bụng, đi ngoài ra máu... cần phải cảnh giác với bệnh ung thư đại trực tràng.
Khi sờ thấy khối u bất thường ở ngực, ở vú… cần đến các cơ sở y tế để tầm soát ung thư vú.
Khi bị ù tai, ho khạc ra máu… cần cảnh giác với ung thư vòm họng.
Thấy có triệu chứng xuất huyết âm đạo bất thường cần đề phòng ung thư cổ tử cung.
Cũng theo TS.BS Vũ Hữu Khiêm, thực tế cho thấy, nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám khi ung thư đã ở giai đoạn muộn tiêu tốn rất nhiều thời gian và chi phí để chữa trị.
Chính vì vậy, để phát hiện sớm ung thư và điều trị bệnh có hiệu quả, người dân cần quan tâm các khuyến cáo trên: khám sức khoẻ định kỳ, tăng cường sàng lọc đối tượng có nguy cơ, tự khám khi có biểu hiện bất thường.
Tầm soát ung thư vú để phát hiện sớm căn bệnh ung thư vú. Ảnh minh họa.
Ung thư di căn có chữa được không?
Đây là nỗi băn khoăn, lo lắng của nhiều người bệnh. Theo TS.BS Vũ Hữu Khiêm, ung thư hoàn toàn có thể chữa khỏi được nhưng điều quan trọng là có phát hiện sớm và điều trị kịp thời hay không.
Chuyên gia ung bướu cho rằng, di căn ở ung thư có 2 loại di căn đó là di căn vùng và di căn xa (não, xương, phổi). Khi ung thư di căn vùng vẫn có khả năng chữa khỏi hơn so với giai đoạn khu trú. Ung thư di căn xa thì tỷ lệ chữa khỏi thấp hơn so với di căn vùng.
Hiện nay, nhiều tiến bộ trong khoa học công nghệ và sinh học phân tử, đã tạo ra nhiều cơ hội cho bệnh nhân điều trị và chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân.
Tại Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai... đã triển khai nhiều phương pháp để chẩn đoán và phát hiện sớm ung thư (đánh giá, điều trị xạ phẫu, xạ trị kỹ thuật cao, tiêu biến liều, tiêu biến thể tích… các phương pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch.
Để chữa khỏi ung thư đạt hiệu quả cao và chi phí thấp thì cần phòng và phát hiện sớm bệnh. Khi phát hiện bệnh muộn, chi phí điều trị là vô cùng tốn kém và khả năng chữa khỏi sẽ thấp hơn so với phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Ngoài ra, ung thư có yếu tố di truyền nhưng ở tỷ lệ thấp.