Bác sĩ chỉ rõ các nguyên nhân gây sốc mất máu

Sốc mất máu là một tình trạng đe dọa tính mạng và cần cấp cứu khẩn trương, kịp thời, để cứu sống người bệnh. Vậy tại sao lại sốc mất máu.

Sốc mất máu do chấn thương là cấp cứu tối khẩn cấp

Ngày 18/6, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận người bệnh nam N.V.H (66 tuổi, Bắc Ninh) bị tai nạn giao thông. Người bệnh ngừng tim, thở ngáp, mạch, huyết áp không đo được, da niêm mạc nhợt, bụng chướng căng.

Tại Khoa Cấp cứu, người bệnh được tiến hành hồi sinh tim phổi nâng cao, bóp bóng, ép tim ngoài lồng ngực khẩn trương, sau 5 phút tim đập trở lại.

Khi siêu âm tại giường, các bác sĩ phát hiện người bệnh bị tràn máu màng phổi trái, tràn máu ổ bụng mức độ nhiều, chẩn đoán bị sốc mất máu do đa chấn thương, chấn thương ngực kín, chấn thương bụng kín do vỡ lách.

Người bệnh được chuyển thẳng lên phòng mổ và được các bác sĩ Viện Phẫu thuật tiêu hóa - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phẫu thuật cắt lách, cầm máu.

Người bệnh sau phẫu thuật chuyển về khoa Hồi sức Ngoại khoa và Ghép tạng, được hồi sức tích cực, hỗ trợ hô hấp, bảo vệ thần kinh, bù máu. Người bệnh tiến triển tốt, sau 1 ngày đã tỉnh hoàn toàn, không có tổn thương thần kinh khu trú, toàn trạng ổn định.

Sốc mất máu do chấn thương là một cấp cứu ngoại khoa tối khẩn cấp vì diễn biến xấu rất nhanh, tỷ lệ tử vong cao. Theo các nghiên cứu thống kê cho thấy, tỷ lệ tử vong đến 31% trong vòng 2 giờ đầu mặc dù điều trị tại cấp cứu; tử vong 12% trong 2-24 giờ tiếp theo, 11% sau 24 giờ. Kể cả số trường hợp sống sót thì 39% phát triển nhiễm trùng và 24% sẽ có suy đa tạng.

Các trường hợp sốc mất máu do chấn thương phải được cấp cứu tối khẩn cấp và có tham gia kết hợp đa chuyên khoa, giữa cấp cứu, hồi sức, gây mê và phẫu thuật viên. Vừa tiến hành hồi sức cấp cứu chống sốc, vừa phẫu thuật cầm máu giải quyết nguyên nhân thì mới có thể cứu sống được bệnh nhân.

Cứu bệnh nhân sốc mất máu do đa chấn thương

Cứu bệnh nhân sốc mất máu do đa chấn thương

Nhiều bệnh gây sốc mất máu

Sốc mất máu là hậu quả của tình trạng chảy máu nghiêm trọng, khi mất trên 20% khối lượng tuần hoàn. Sốc mất máu gây ra tình trạng giảm tưới máu mô, dẫn đến việc cung cấp không đủ oxy và chất dinh dưỡng cần thiết cho chức năng tế bào.

Bất cứ khi nào nhu cầu oxy của tế bào lớn hơn nguồn cung cấp, cả tế bào và cơ thể đều ở trạng thái sốc. Sốc mất máu là một tình trạng đe dọa tính mạng và cần cấp cứu khẩn trương, kịp thời, để cứu sống người bệnh.

Các nguyên nhân thường gặp gây ra sốc mất máu như:

- Do chấn thương vết thương mạch máu, vỡ xương chậu, vỡ gan, vỡ lách;

- Chảy máu qua đường hô hấp, chảy máu đường tiêu hóa, xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng, vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, các bệnh mạch máu (phình bóc tách động mạch chủ ngực vỡ), sản khoa (chửa ngoài tử cung vỡ)...

Khi người bệnh bị mất máu cần được sơ cứu đúng kỹ thuật, chuyển đến các cơ sở chuyên khoa để được cấp cứu kịp thời, tránh những trường hợp đi khám muộn dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

BS Phạm Quang Trình (Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)

Theo Đời sống
back to top