Cân bằng thời gian các bữa ăn trong ngày
Tết là thời gian nghỉ ngơi, gặp mặt người thân, tụ tập bạn bè. Vì thế, nhịp sinh học trong ngày Tết của chúng ta thường bị đảo lộn khá nhiều. Những bữa ăn dồn dập với khối lượng lớn hoặc bỏ bữa thường xuyên xảy ra. Bỏ bữa là nguyên nhân gây đau dạ dày, khiến nồng độ đường trong máu giảm ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất.
Dồn bữa khiến khẩu phần ăn tăng đáng kể so với khẩu phần ngày thường. Điều này vừa khiến hệ tiêu hóa phải hoạt động quá tải, vừa tăng nguy cơ thừa cân béo phì. Dù là dịp nào đi nữa, mọi người cũng nên duy trì 3 bữa chính mỗi ngày, ăn chậm nhai kỹ với lượng thức ăn vừa phải tránh gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nhiều dầu mỡ
Ngày Tết, hầu hết các gia đình đều chuẩn bị rất nhiều thực phẩm chế biến sẵn: Giò chả, nem rán, lạp xưởng, …. Tuy nhiên, trong quá trình chế biến các thực phẩm trên nhà sản xuất thường dùng rất nhiều muối và phụ gia để giữ thực phẩm tươi ngon.
Điều này cần phải lưu ý và hạn chế với các bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp, tim mạch hoặc các bệnh thận. Ngoài ra, đa số các thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều chất béo bão hòa. Sự kết hợp của natri, chất béo bão hòa và năng lượng cao khiến bạn dễ dàng tăng cân sau kì nghỉ Tết.
Các chị em nội trợ có thể hạn chế lượng natri bằng cách đọc nhãn thực phẩm khi đi mua sắm. Chúng ta nên chọn thực phẩm bao gói có nhãn “Natri thấp”, “Giảm natri” hoặc “Không bổ sung muối” nếu có. Đọc nhãn thực phẩm, kiểm tra khẩu phần và so sánh lượng natri trong các sản phẩm khác nhau, sau đó chọn sản phẩm có lượng natri thấp nhất.
Lưu ý rằng, natri cũng có thể được gọi với nhiều tên khác nhau như monosodium glutamate hoặc diosodium phosphate. Tuy nhiên lựa chọn tốt nhất vẫn là các thực phẩm tươi sống thay vì đã qua sơ chế, chế biến.
Bác sĩ chỉ “Bí kíp” cân bằng dinh dưỡng Tết cho mọi nhà |
Ăn đủ 4 nhóm thực phẩm, tăng cường rau xanh và trái cây
Nhắc đến ngày Tết thì thể nào không thể thiếu các món truyền thống như: bánh chưng, thịt kho tàu, bánh mứt, nước ngọt…Có thể thấy các món ăn trên mâm cỗ dường như vắng bóng các món được chế biến từ rau củ.
Dẫu biết rằng, ngày Tết chúng ta thường bị thu hút bởi nhiều loại món ăn tuy nhiên việc tiêu thụ nhiều thực phẩm ngọt, dầu mỡ, giàu đạm nhưng không bổ sung rau xanh dễ dẫn đến tình trạng thiếu chất này nhưng thừa chất kia.
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, mức khuyến nghị về tiêu thụ rau quả dành cho người Việt Nam trưởng thành là 480 – 560g/ngày. Trong đó bao gồm 240 – 320g rau và tiêu thụ quả chín là 240g/ngày.
Rau xanh và trái cây là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào nhưng lại ít calo giúp chúng ta hạn chế cơn đói, giảm lượng calo nạp vào, hỗ trợ quá trình giảm cân. Ngoài ra, các vitamin và khoáng chất trong rau giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh mạn tính.
Điều này đặc biệt lưu ý với những người bị thừa cân, béo phì hay mắc các bệnh liên quan đến chế độ dinh dưỡng: đái tháo đường, tăng huyết áp, các bệnh tim mạch, bệnh gout…
Thói quen tích trữ thực phẩm ngày Tết:
Một số gia đình vẫn giữ thói quen tích trữ thực phẩm cho kì nghỉ Tết để “bù” cho một năm lao động vất vả. Tuy nhiên, hiện nay các chợ và siêu thị vẫn mở cửa xuyên Tết để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân.
Việc tích trữ khối lượng lớn thực phẩm khiến món ăn giảm độ tươi ngon, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn chéo trong quá trình bảo quản dẫn đến ngộ độc thực phẩm cũng như dư thừa, lãng phí thực phẩm.
Tóm lại, để vui xuân đón Tết khỏe mạnh, mỗi người trong chúng ta cần nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng của bản thân cũng như gia đình mình. Bên cạnh việc nghỉ ngơi ăn uống hợp lý cũng nên duy trì tập luyện.
Luyện tập thể dục thể thao giúp duy trì cơ bắp và xương, kiểm soát cân nặng, tăng sức đề kháng cũng như kết nối các thành viên trong gia đình trong quá trình hoạt động cùng nhau. Hy vọng mọi người đã có được bí kíp dinh dưỡng riêng cho mình để có một kỳ nghỉ Tết vui vẻ, mạnh khỏe.
ThS.BS Bùi Thị Duyên (Khoa Dinh Dưỡng Bệnh viện Quân y 175)