"Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của Nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi…", Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội phổ biến Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, ngày 18/5/1963.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam ngày 18/5/1963. Ảnh tư liệu: most.gov.vn |
“Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”
Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, sau khi lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thành công vào tháng 8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ tư tưởng trọng trí thức khi xây dựng Chính phủ lâm thời.
Người đã quy tụ quanh mình rất nhiều trí thức yêu nước có tài, đức và uy tín trong nhân dân để cùng gánh vác việc nước. Không phải ngẫu nhiên mà chỉ hai tháng sau Lễ Tuyên ngôn độc lập, khi chính quyền cách mạng non trẻ đang như “ngàn cân treo trên đầu sợi tóc”, lại phải gồng mình để chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, tháng 11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đích thân đến chủ trì lễ khai giảng và trao bằng tốt nghiệp tại Đại học Quốc gia Việt Nam.
Một năm sau, thời điểm cuộc chiến chống thực dân Pháp cận kề, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Thông lệnh Tìm người tài đức, trong đó nêu rõ: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”.
Với tâm nguyện “trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc”, trong thời gian công tác ở Pháp năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảm hóa được nhiều trí thức tài giỏi từ bỏ cuộc sống đủ đầy, tương lai cá nhân rộng mở, về nước tham gia kháng chiến cứu quốc.
Lời căn dặn về “nhiệm vụ rất nặng nề mà cũng rất vẻ vang”
Ngày 18/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, tiền thân của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam sau này.
Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, đây là cuộc gặp lịch sử giữa vị lãnh tụ anh minh với đại diện giới trí thức. Từ đây, tư tưởng của Người về trí thức ngày càng thấm sâu trong quan điểm của Đảng và từng bước được cụ thể hóa thành những chủ trương, chính sách của Nhà nước.
Trong cuộc gặp gỡ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện và giao nhiệm vụ cho đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam.
Người khẳng định: “Khoa học phải đi từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi. Như vậy, nhiệm vụ của khoa học, kỹ thuật là cực kỳ quan trọng, cho nên mọi ngành, mọi người đều phải tham gia công tác khoa học, kỹ thuật, để nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất, để xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, giao nhiệm vụ cho những trí thức trong việc phổ biến khoa học: “Những điều đem phổ biến phải thiết thực, phải chính xác, phải làm sao cho quần chúng có thể hiểu và làm được. Sau khi đã phổ biến, ta phải theo dõi, giúp đỡ quần chúng học tập và áp dụng cho tốt. Nếu chỉ phổ biến rồi bỏ mặc quần chúng, không quan tâm theo dõi họ thực hiện được hay không, kết quả tốt hay xấu, như vậy là thiếu tinh thần trách nhiệm”.
“Các đồng chí phải đi xuống tận các xí nghiệp, hợp tác xã, hỏi han công nhân, nông dân yêu cầu gì, họ làm ăn và sinh sống như thế nào và phổ biến những điều cần thiết giúp đỡ họ cải tiến kỹ thuật, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Các đồng chí phải là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa và khoa học, kỹ thuật; phải góp tài góp sức để cải biến bộ mặt xã hội của nước ta, làm cho nhân dân ta sản xuất và công tác theo khoa học và đời sống của nhân dân ta văn minh, tức là khoa học, lành mạnh và vui tươi. Đó là nhiệm vụ rất nặng nề mà cũng rất vẻ vang”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói.
Người khẳng định, Đảng, Chính phủ và nhân dân ta đặc biệt đặt nhiều hy vọng vào Hội phổ biến khoa học, kỹ thuật, mong đại hội có những quyết nghị thiết thực và “mong các cô, các chú cố gắng thi đua làm trọn nhiệm vụ, cố gắng rèn luyện mình thành những chiến sĩ xuất sắc trong công việc phổ biến khoa học, kỹ thuật”.
Quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước
Hai mươi năm sau thời điểm Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ngày 26/3/1983, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam - Vusta) được thành lập. Đảng ta đã phân công Thiếu tướng, Anh hùng Lao động, GS.VS Trần Đại Nghĩa - nhà khoa học lớn của đất nước - làm chủ tịch đầu tiên.
Từ đó đến nay, Liên hiệp Hội Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, là hạt nhân tập hợp, đoàn kết, phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam trong nước và nước ngoài, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tư tưởng chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
60 năm qua, lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất, Hội phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động khoa học và công nghệ nước nhà, đặc biệt với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Tại Lễ kỷ niệm 60 năm Bác Hồ gặp mặt đội ngũ trí thức (18/5/1963 - 18/5/2023) và 40 năm Ngày thành lập Vusta (26/3/1983 - 26/3/2023), TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, khẳng định: “Thấm nhuần lời dạy của Bác kính yêu “là một bộ phận trong lực lượng cách mạng, tri thức có nhiệm vụ thi đua phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân”, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam luôn mang trên mình nhiệt huyết cách mạng, khát vọng vươn lên, đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực, là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước”.
Theo TSKH Phan Xuân Dũng, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nước ta đã ra sức phát huy tinh thần yêu nước, một lòng theo Đảng, cùng giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và nhân dân cả nước đóng góp trí tuệ, sức lực xây dựng đất nước.
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thống nhất chọn ngày 18/5 hằng năm là ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đến nay, Liên hiệp Hội Việt Nam (trước đó là Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) có 156 hội thành viên, gồm 63 Liên hiệp hội địa phương và 93 Hội ngành toàn quốc.
Từ khi thành lập, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật. Đồng thời góp phần thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động này đã và đang trở thành kênh thông tin đáng tin cậy giúp Đảng và Nhà nước khi xem xét quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.