Bắc Giang: Tìm giải pháp cho doanh nghiệp phát triển công nghiệp bán dẫn

Ngày 11/9, Liên hiệp Hội Bắc Giang phối hợp Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, tổ chức hội thảo khoa học “Hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn và sự tham gia của địa phương, doanh nghiệp Việt Nam”.

Ông Trần Đình Thiên, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ quốc gia, cho rằng, Bắc Giang cần thu hút nhà đầu tư chiến lược, dẫn dắt, thu hút doanh nghiệp khác tham gia lĩnh vực công nghiệp bán dẫn; xây dựng mô hình mẫu trong phát triển công nghiệp bán dẫn tại tỉnh; xác định rõ các bộ phận cấu thành nên hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn để có định hướng phát triển rõ ràng hơn.

Bà Trần Thị Vân Hoa, thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chia sẻ, cần xác định rõ cách tiếp cận hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn theo chuỗi giá trị. Bắc Giang cần tham gia khâu, sản phẩm nào trong lĩnh vực sản xuất bán dẫn hoặc tập trung công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn. Cách đi tuần tự hay đi tắt, đón đầu để tiếp thu công nghệ và không thể đi một mình, phải liên kết, hợp tác phát triển.

Ông Phí Vĩnh Tường - Quyền Viện trưởng, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới và ông Ngô Chí Vinh - Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Bắc Giang - chủ trì hội thảo.

Ông Phí Vĩnh Tường - Quyền Viện trưởng, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới và ông Ngô Chí Vinh - Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Bắc Giang - chủ trì hội thảo.

Ông Nguyễn Mạnh Chiến, Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH HANA MICRON VINA, nêu khó khăn, vướng mắc lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất bán dẫn hiện nay là thiếu hụt nguồn nhân lực. Bắc Giang còn thiếu rất nhiều điều kiện nhằm đáp ứng, thu hút các doanh nghiệp như có khu kinh tế, đáp ứng về cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ sản xuất bán dẫn.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài vào Bắc Giang trong lĩnh vực bán dẫn; đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng khu, cụm công nghiệp và hạ tầng xã hội khác, tạo điều kiện sẵn sàng về hạ tầng để đón nhà đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của thị trường và sự phát triển của công nghệ.

Tăng cường sự liên kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp; mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn công nghệ cao, công ty bán dẫn hàng đầu.

Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển. Tỉnh cần khuyến khích doanh nghiệp thành lập trung tâm nghiên cứu, hợp tác với viện nghiên cứu và trường đại học để phát triển công nghệ tiên tiến, sản phẩm mới, hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp bán dẫn. Đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn đồng bộ, bao gồm nhà cung cấp nguyên liệu, thiết bị, dịch vụ hậu cần và hỗ trợ.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng chia sẻ kinh nghiệm của các nước như Mỹ, Ấn Độ, Malaysia và Singapore trong xây dựng chiến lược phát triển, từ đó đưa ra hướng đi cụ thể cho ngành bán dẫn của Việt Nam nói chung, tỉnh Bắc Giang nói riêng.

Theo Ban tổ chức, việc tổ chức hội thảo “Hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn và sự tham gia của địa phương, doanh nghiệp Việt Nam” tập hợp được đội ngũ chuyên gia đóng góp nhiều ý kiến và đưa ra định hướng, giải pháp, khuyến nghị cho tỉnh Bắc Giang để tham gia, phát triển lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Kết quả hội thảo, là cơ sở để Liên hiệp Hội tỉnh và Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới đề xuất, kiến nghị với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, UBND tỉnh Bắc Giang trong định hướng chỉ đạo xây dựng hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn phù hợp điều kiện, lợi thế của tỉnh.

Theo Đời sống
back to top