Cầm tay chỉ việc để nhân rộng mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm
Mô hình “Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống” bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được triển khai từ năm 2019. Năm 2023, dựa vào kế hoạch số 38/KH-SYT ngày 09/2/2023 của Sở Y tế về việc triển khai nhân rộng mô hình bảo đảm ATTP năm 2023; Hướng dẫn số 441/HD-SYT ngày 20/12/2021 của Sở Y tế Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bắc Giang đã tiến hành triển khai nhân rộng mô hình “Cơ sở chế biến suất ăn sẵn”/“Nhà hàng ăn uống”, “bếp ăn tập thể” bảo đảm an toàn thực phẩm tại 12 địa điểm kinh doanh của 10 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc đối tượng quản lý của Chi cục theo phân cấp.
Để đảm bảo yêu cầu, các Tổ chuyên môn theo Quyết định số 16/QĐ-ATTP của Chi cục đã chủ trì, phối hợp với Trung tâm Y tế các khu công nghiệp và phòng chức năng của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang triển khai hướng dẫn, thực hành theo hình thức “cầm tay chỉ việc” các tiêu chí về ATTP để doanh nghiệp đầu tư, cải tạo cơ sở hạ tầng, thực hành việc bố trí, sắp xếp hợp lý các khu vực phục vụ chế biến bảo đảm phòng chống ô nhiễm chéo; đầu tư, trang bị trang thiết bị dụng cụ đảm bảo ATTP để phòng, chống nguy cơ ô nhiễm thực phẩm.
Các Tổ chuyên môn đã tiến hành đánh giá đầu ra kết quả thực hiện các tiêu chí của mô hình sau khi hướng dẫn tại các doanh nghiệp, kết quả 100% doanh nghiệp tham gia nhân rộng mô hình đạt các tiêu chí về ATTP và được công nhận mô hình "Cơ sở chế biến suất ăn sẵn"/“Nhà hàng ăn uống” bảo đảm ATTP năm 2023 với số điểm trung bình đạt 98,4/100 điểm.
Qua triển khai nhân rộng mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm tại các doanh nghiệp đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành tốt các quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm ATTP; đặc biệt là việc kiểm soát thực hành trong chế biến, bảo quản và phục vụ ăn uống tại các cở sở thực phẩm. Việc kiểm soát các nguy cơ ô nhiễm thực phẩm góp phần chủ động phòng ngừa các sự cố về ATTP, các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa và khống chế không để ngộ độc thực phẩm xảy ra; đồng thời đề xuất các giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATTP và triển khai nhân rộng các mô hình bảo đảm ATTP cho những năm tiếp theo.
Bắc Giang: nhân rộng mô hình “Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống”bảo đảm ATTP |
Khắc phục khó khăn, tồn tại để nâng cao chất lượng ATTP
Đánh giá sơ kết mô hình “Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống” bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2019-2023 đồng chí Từ Quốc Hiệu - Phó Giám đốc Sở cho biết, việc triển khai xây dựng mô hình điểm và nhân rộng mô hình đã ghi nhận một số kết quả như:
Được Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố quan tâm, chỉ đạo triển khai; đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ của Sở GD&ĐT và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh; Các đơn vị chức năng của ngành y tế, phòng y tế huyện, thành phố đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và các tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai mô hình “cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống” bảo đảm ATTP.
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống tham gia triển khai mô hình bảo đảm ATTP đã nêu cao ý thức trách nhiệm chấp hành quy định pháp luật về ATTP, chủ động đầu tư nguồn lực và thực hiện duy trì cơ bản đạt các tiêu chí mô hình bảo đảm ATTP; trong giai đoạn 2019 - 2023, các tổ chức, cá nhân được công nhận mô hình bảo đảm ATTP không để xảy ra tình trạng vi phạm về điều kiện ATTP, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm;
Việc triển khai mô hình bảo đảm ATTP đã lượng giá cơ bản các yêu cầu về điều kiện bảo đảm ATTP theo quy định của pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tự giám sát, đánh giá việc chấp hành điều kiện ATTP và chủ động kiểm soát mối nguy ô nhiễm trong quá trình sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm và ăn uống; đồng thời, giúp cơ quan chức năng thuận lợi hơn trong việc kiểm soát, đánh giá, xếp loại cơ sở thực phẩm và triển khai các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Từ Quốc Hiệu - Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu tại Hội Nghị |
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như: Việc đầu tư nguồn lực để đạt đủ điều kiện ATTP của một số tổ chức, cá nhân trong triển khai mô hình còn hạn chế, còn tâm lý chờ sự hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị, vật tư và hướng dẫn của đơn vị chức năng;
Việc quản lý ATTP theo chuỗi, dựa trên quản lý nguy cơ và truy xuất nguồn gốc chưa thực hiện được đồng bộ và chặt chẽ. Do đó, việc kiểm soát nguồn nguyên liệu thực phẩm tươi sống, đông lạnh trước khi đưa vào sử dụng tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP và xảy ra ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm;
Một số tiêu chí của mô hình bảo đảm ATTP có nhiều chỉ tiêu về điều kiện ATTP và kiểm soát mối nguy ô nhiễm thực phẩm ..., khó khăn cho các tổ chức, cá nhân khi tự tổ chức giám sát, đánh giá. Vì vậy, cần thiết điều chỉnh giảm số chỉ tiêu trong từng tiêu chí ATTP cho phù hợp thực tiễn và quy định của pháp luật.
Việc triển khai mô hình bảo đảm ATTP giai đoạn 2019-2023 mới triển khai thực hiện được đối với loại hình nhà hàng ăn uống, bếp ăn tập thể, bếp ăn tập thể, Cơ sở chế biến suất ăn sẵn, còn một số loại hình khác thuộc “Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống” như cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín, căng-tin, cần tiếp tục quan tâm, triển khai nhân rộng mô hình bảo đảm ATTP trong thời gian tới, theo hướng dẫn chung về triển khai nhân rộng mô hình “Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống” bảo đảm ATTP.
Đồng chí Từ Quốc Hiệu đã quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Tăng cường tuyên truyền, tập huấn, tư vấn cho người quản lý, người chế biến thực phẩm và kinh doanh dịch vụ ăn uống về kiến thức, thực hành đúng ATTP;
Các cơ quan, địa phương được phân công, phân cấp quản lý đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, chủ động xây dựng kế hoạch hằng năm để triển khai nhân rộng mô hình “Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống” bảo đảm ATTP;
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP theo quy định;
Quan tâm đầu tư đủ nguồn lực cần thiết để triển khai thực hiện mô hình bảo đảm ATTP;
Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, hộ kinh doanh cá thể với việc bảo đảm ATTP.
Định kỳ kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai và tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm;
Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân chấp hành tốt quy định về ATTP.