Đồng bằng sông Cửu Long đối diện hạn mặn kỷ lục
Tại Sóc Trăng tình hình hạn, mặn đến sớm hơn khoảng 1 tháng so với những năm gần đây, độ mặn cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời điểm. Dự báo, độ mặn cao nhất trên sông Hậu tại Trần Đề ở mức 22‰, Long Phú 17,5‰, tại Đại Ngãi (cách cửa sông Hậu 35km) là 11,5‰; trên sông Mỹ Thanh tại Thạnh Thới Thuận (cách cửa sông Mỹ Thanh 25km) ở mức 19,5‰, tại Thạnh Phú 7,5‰, tại TP Sóc Trăng 6,5‰.
Tại Bến Tre, dự báo sẽ có khoảng 158.900 hộ thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô này. Tại Vĩnh Long, dự kiến sẽ có khoảng 83.900 ha đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, 49 nhà máy nước sẽ bị nhiễm mặn và hơn 215.900 hộ dân không có nước ngọt sử dụng....
Tình trạng hạn mặn đang diễn tại Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng khốc liệt hơn, được đánh giá có mức độ gay gắt hơn so với trận hạn mặn lịch sử mùa khô 2016.
Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết từ đầu tháng 2/2020 đến nay, mực nước trên dòng chính sông Mê Kông biến đổi chậm. Hiện tại, mực nước tại các trạm thượng nguồn ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNN và cùng kỳ năm 2016 từ 0,1-0,7m.
Mực nước trên sông Nam Bộ dao động theo triều, trong đó mực nước sông Sài Gòn cao nhất tuần tại trạm Nhà Bè là 1,14m; mực nước trên sông Vàm Cỏ cao nhất tuần tại trạm Tân An đạt 1,10m. Riêng sông Tiền và sông Hậu, mực nước đang xuống theo triều, trong đó mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,15m, tại Châu Đốc 1,27m tương đương TBNN và cùng kỳ năm 2016.
Trong tuần từ 11-15/2, do ảnh hưởng của kỳ triều cường cường, xu thế xâm nhập mặn tiếp tục tăng cao, ranh mặn 4g/l tiếp tục lấn sâu vào đất liền. Cụ thể, trên Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, phạm vi xâm nhập mặn là 90-95km, tương đương cùng kỳ năm 2016; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, phạm vi xâm nhập mặn 50-53km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 3-5km; sông Hàm Luông, phạm vi xâm nhập mặn 71km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 11km; sông Cổ Chiên, phạm vi xâm nhập mặn 65km, tương đương cùng kỳ năm 2016...
Với diễn biến mực nước nêu trên, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia nhận định dòng chảy trên sông Mê Kông về Đồng bằng sông Cửu Long Long trong tháng 2,3/2020 sẽ ở mức thiếu hụt so với TBNN và năm 2016 khoảng 5- 20%; mực nước tại Biển Hồ (Campuchia) ở mức thấp, khả năng bổ sung nước cho Đồng bằng sông Cửu Long không nhiều.
Ủy hội sông Mê Kông (MRC) cảnh báo thêm, đối với tài nguyên nước dưới đất, không chỉ tồn tại những nguy cơ về suy giảm mực nước, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất, ở một số khu vực hiện đang đối diện với nguy cơ sụt, lún, hạ thấp bề mặt địa hình.
Cả nước thiếu nước
Theo báo cáo của Tổng Cục trưởng Tổng Cục Khí tượng thủy văn, không riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong năm 2020 tình trạng thiếu nước sẽ diễn ra cục bộ trên cả nước.
Cụ thể, trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 7/2020, lượng nước các sông hồ tiếp khu vực Bắc Bộ sẽ thấp hơn TBNN từ 20 - 50%. Thời gian thiếu hụt nhiều vào các tháng 2 - 4/2020. Tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng sẽ xảy ra trên lưu vực sông Đà (đến các hồ chứa Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình) và trên lưu vực sông Thao.
Tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, lượng dòng chảy trên các sông phổ biến thấp hơn so với TBNN từ 25 - 80%. Từ tháng 3 - 5/2020, tại các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên có thể diễn ra tình trạng khô hạn thiếu nước cục bộ. Từ tháng 6 - 8/2020, tình trạng xâm nhập mặn có khả năng lan rộng tại các tỉnh ven biển từ Quảng Trị đến Khánh Hòa .
Ngoài ra, tính đến đầu tháng 2/2020, có 4/11 lưu vực sông về tổng thể còn thiếu nhiều nước gồm sông Mã, Hương, Vu Gia – Thu Bồn và lưu vực sông Ba. Tuy nhiên, do từ đầu mùa cạn đến nay, nhiều hồ chứa cũng đã hạn chế việc xả nước hoặc dừng phát điện để có thể tích thêm nước để nâng cao khả năng đủ nước để điều tiết cấp nước cho thời gian còn lại của mùa cạn (5-7 tháng). Vì vậy, mặc dù thiếu hụt nhưng về tổng thể chưa nghiêm trọng.
Trên tổng số 34/133 hồ chứa có yêu cầu mực nước tối thiểu của các quy trình thì có 11 hồ chứa có mực nước vẫn đang thấp hơn mực nước tối thiểu là: Cửa Đạt, Hủa Na, Trung Sơn, Bản Vẽ, Bình Điền, A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Ka Nak, Sông Hinh, Sê San 4 và Đại Ninh.
Trong khoảng từ đầu tháng 12 đến nay, Cục Quản lý tài nguyên nước cũng đã chủ động phối hợp với các địa phương, các chủ hồ để đôn đốc, bàn bạc phương án vận hành; có địa phương cũng đã chủ động đề xuất điều chỉnh giảm lưu lượng xả trong các tháng mùa cạn hoặc cắt giảm diện tích sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thiếu hụt nguồn nước. Vì vậy, mặc dù lưu lượng đến các hồ chứa rất nhỏ, nhưng hiện nay, mực nước các hồ chứa vẫn duy trì được mực nước hoặc nâng dần mực nước, tùy từng hồ để có thể có đủ nguồn nước cân đối cho mùa cạn.
Đối với các hồ chứa nêu trên, Cục đã trình Lãnh đạo Bộ có văn bản phối hợp, chỉ đạo điều hành các hồ chứa lên phương án điều chỉnh giảm lưu lượng xả xuống hạ du cho phù hợp để bảo đảm đủ cấp nước từ 5-7 tháng còn lại của mùa cạn.