Luật pháp còn nhiều kẽ hở
Có nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống pháp luật liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em của nước ta chưa chặt chẽ, còn kẽ hở, kẻ phạm tội chưa bị xử lý đúng tội danh, chưa đủ sức răn đe, Quan điểm của bà thế nào?
Chúng ta có rất là nhiều đạo luật, chương trình kế hoạch liên quan đến bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, đến nay con số khoảng 2000 trẻ em bị xâm hại tình dục trẻ em mỗi năm chỉ là tảng băng nổi, ngoài ra còn phần chìm chưa nhận diện được.
Điều này liên quan tới những hạn chế, kẽ hở, yếu về mặt pháp lý. Những luật và chính sách chưa thực sự là công cụ hữu hiệu trong việc bảo vệ trẻ em.
Đại biểu Phạm Minh Hiền. Ảnh: KH&ĐS. |
Kẽ hở đó là gì, thưa bà?
Ví dụ đối với Bộ luật Hình sự chưa quy định rõ về các định nghĩa, khái niệm thế nào là xâm hại tình dục và hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Chính vì quy định còn lỏng lẻo, chưa chắc chắn đã tạo ra kẽ hở trong quá trình thực thi pháp luật, làm cho mỗi địa phương cán bộ khi vận dụng luật có cách hiểu khác nhau.
Hoặc Bộ luật Tố tụng hình sự đã có quy trình tố tụng dành cho vị thành niên, nhưng mới dừng lại ở hướng dẫn, còn vận dụng vào thực tiễn rất mờ nhạt, và chưa thực sự là yếu tố để trẻ đủ tin tưởng, người thân trẻ tin tưởng trong quá trình tố tụng…
Theo tôi được biết, nhận thức cũng là một vấn đề gây cản trở trong việc bảo vệ trẻ bị xâm hại?
Đúng thế, còn một vấn đề cần phải nói tới nữa là nhận thức, nhận diện. Điều này liên quan tới công tác truyền thông về vấn đề này chưa được coi trọng. Theo tôi cần phải có sự đầu tư cho giáo dục về lĩnh vực này. Không phải chỉ giáo dục trong trường học mà còn trong gia đình, cộng đồng. Người lớn phải tự tìm hiểu những biện pháp, kiến thức hiểu biết để bảo vệ trẻ em trong mọi trường hợp,
Trẻ sợ hãi từ chính… giáo dục của người lớn
Bà đánh giá như thế nào về giáo dục của chúng ta liên quan tới lĩnh vực này hiện nay?
Tôi cho rằng, về hiểu biết của xã hội liên quan tới vấn đề xâm hại tình dục trẻ em có hạn chế ở tất cả các đối tượng.
Ví dụ, về gia đình vẫn còn những nhận thức thiếu chín chắn, thiếu chiều sâu trong việc bảo vệ con em mình. Đã có những phụ huynh chia sẻ với tôi, khi nghe tới từ dâm ô thì không ai muốn vướng vào hết. Bởi đó là hành vi gây ra những ô uế cho thân thể.
Nhận thức chưa đúng, thì cũng có thể dẫn tới giáo dục sai?
Có những trường hợp tôi thấy rất đau xót. Có em gái bị dâm ô, tôi hỏi em có được cha mẹ dạy cho về phòng chống xâm hại hay không. Em bảo,ba mẹ dạy nếu để ai mà đụng vào cơ thể con thì ba mẹ sẽ đánh chết. Cho nên, con không dám nói với cha mẹ.
Và khi tôi hỏi ngược lại thì người mẹ thừa nhận đã dạy con đúng như vậy. Trẻ đã không dám nói với ba mẹ vì sợ hãi, trẻ sợ hãi từ chính cách giáo dục của người lớn.
Cho nên, việc truyền thông, giáo dục ở đây rất quan trọng, từ cách dùng từ ngữ đối với con trẻ phải rất thận trọng, cho tới nhận thức vấn đề.
Chúng ta cũng có những chính sách liên quan tới việc bảo vệ trẻ em trong trường học như xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; giáo dục môi trường an toàn lành mạnh… Hiệu quả của nó thế nào, thưa bà?
Theo tôi, những chương trình chính sách phòng chống xâm hại tình dục và bạo lực học đường hiện nay vẫn ít chú trọng vào việc lấy con người làm trung tâm, làm gốc. Đó là chưa có sự hỗ trợ tâm lý một cách thấu đáo, và hoạt động công tác xã hội trong trường học. Mà như vậy thì sẽ không hiệu quả, chỉ mang tính hình thức và tốn kém.
Cần rà soát lại toàn bộ luật pháp
Ở vai trò một đại biểu Quốc hội, đồng thời cũng là chuyên gia trong lĩnh vực này, bà có kiến nghị gì?
Trước hết đối với Bộ luật Hình sự, tôi cho rằng điều 146 luật sửa đổi cần quy định một cách cụ thể, rõ ràng hơn về hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi.
Kèm theo đó là rà soát lại toàn bộ những điều khoản liên quan tới phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, xem có những điểm nào bất hợp lý. Bởi thực tế đã nảy sinh những tình huống phức tạp, cần điều chỉnh.
Thứ hai là phải có sự đồng bộ từ góc độ pháp luật, chương trình chính sách tới các công tác xã hội trợ giúp tư vấn tâm lý liên quan tới đối tượng phòng chống xâm hại trẻ em.
Với các chính sách kèm theo thì phải đưa ra những chương trình hành động, đề án, nhưng quan trọng nhất là lấy con người làm gốc, là trung tâm hóa giải những vấn đề mà trẻ đang gặp phải hoặc người lớn đang gặp phải.
Bởi từ thực tế tôi thấy, có những trường hợp, người cần trợ giúp, tư vấn là cha mẹ, ông bà… chứ không phải trẻ em. Người lớn cũng có vấn đề, gặp những tình huống không tự giải quyết được, phải tìm những đối tượng không chống đỡ được để trút bức xúc của mình. Đây chính là cái gốc cần giải quyết.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức không chỉ của người dân mà còn cả của chính quyền về vấn đề này.
Theo bà, có cần đưa việc trợ giúp tâm lý vào luật không?
Trong góp ý với luật giáo dục sửa đổi, tôi có nói cần phải chuyên nghiệp hóa công tác xã hội trong trường học. Không chỉ là trợ giúp tâm lý mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội mà giáo viên, học sinh gặp phải.
Đối với các bậc cha mẹ, bà có lời khuyên gì?
Chính vì hiểu biết chưa đầy đủ về vấn đề này, cho nên dẫn tới những cản trở trong việc giáo dục cũng như bảo vệ trẻ khi bị xâm hại. Nhiều người không phân biệt được thế nào là hành vi yêu thương cưng nựng trẻ thế nào là sự lạm dụng, xâm hại tới cơ thể trẻ. Cho nên, tôi mong các phụ huynh hãy tự trang bị những kiến thức, hiểu biết của mình. Thay đổi nhận thức sẽ dẫn tới thay đổi về hành động.
Trân trọng cảm ơn bà!
Không chỉ rà soát lại các văn bản, cách làm cách thực hiện mà chúng ta cần phải có những khảo sát cụ thể ở góc độ điều tra xã hội học để tìm hiểu tận nguồn cơn của những vấn nạn như vậy.
Ví dụ trong quá trình đi trợ giúp cho trẻ bị xâm hại, chúng tôi mới biết rằng trẻ bị xâm hại từ chính những trò chơi hằng ngày mà trẻ trải nghiệm. Đó là trò chơi gia đình, đóng vai vợ chồng. Có nhiều câu chuyện xung quanh từ vấn đề thực tiễn như thế, cần có nghiên cứu thì mới khắc phục được tận gốc vấn đề.