Ngày 13/6, tổng thống Ba Lan Andrzej Duda phát biểu trước các tư lệnh quân đội, kho vũ khí của Ba Lan quá cạn kiệt do viện trợ quân sự cho Ukraine. Quốc gia này muốn các đồng minh phương Tây cung cấp sự thay thế những vũ khí viện trợ cho Kiev.
“Chúng tôi hy vọng, những lỗ hổng phát sinh trong nguồn lực quân sự quốc gia sẽ được lấp đầy trong khuôn khổ các cơ chế hỗ trợ từ đồng minh” - ông Duda nói trong một cuộc họp quân sự.
Ông nhấn mạnh, Ba Lan là quốc gia cung cấp vũ khí hạng nặng hàng đầu cho Ukraine, với hàng trăm xe tăng, pháo và những trang thiết bị khác.
Viện trợ quân sự cũng bao gồm hàng trăm nghìn viên đạn, máy bay không người lái (UAV) và các tổ hợp vũ khí phòng không. Warsaw nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của nước láng giềng Ukraine trên chiến trường, cung cấp khoảng 1,7 tỷ USD viện trợ quân sự. Tổng thống Ba Lan nói thêm, có thể sẽ mất nhiều năm để thay thế những vũ khí này.
Tổng thống Duda nói: “Do đó, chúng tôi gửi yêu cầu cho hầu như tất cả các đồng minh của chúng ta, đặc biệt là các đồng minh lớn, chuyển giao cho chúng ta thiết bị không nhất thiết phải mới. Chúng ta đã tặng thiết bị đã qua sử dụng, vì vậy chúng ta cũng có thể chấp nhận thiết bị đã qua sử dụng miễn là vũ khí trang bị bổ sung một phần cho những gì quốc gia đã mất một cách hợp lý và hiển nhiên”.
Ba Lan là quốc gia dẫn đầu trong những đề xuất các biện pháp trừng phạt nặng nề Nga và cung cấp cho Ukraine vũ khí tối tân để chống lại chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.
Radoslaw Sikorski, thành viên của Nghị viện châu Âu, cựu ngoại trưởng Ba Lan, đi xa đến mức gợi ý phương Tây có thể cung cấp cho Kiev các đầu đạn hạt nhân để tự vệ.
Các chính sách trung thành ủng hộ Ukraine của Warsaw đạt đến đỉnh cao và gây tổn thất nặng nề. Ba Lan tiếp nhận hơn 3 triệu người tị nạn Ukraine và chê trách nặng nề EU vì đã không bồi hoàn những chi phí khổng lồ.
Mặc dù vậy, đầu tháng 6, 160 người Ba Lan thất nghiệp sau khi chính phủ buộc một công ty kỹ thuật Thụy Sĩ phải đóng cửa hoạt động tại Ba Lan vì có quan hệ với một tỷ phú Nga.
Trước đó, ngày 26/5, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak thông báo đã ký đề nghị mua “khoảng 500” tổ hợp pháo phản lực - tên lửa M142 HIMARS do Mỹ sản xuất.
Kể từ khi bùng phát xung đột ở Ukraine, Ba Lan quyết định dựa vào Mỹ để hiện đại hóa quân đội.
Trên trang mạng xã hội Twitter, Blaszczak giải thích đã ký một bản yêu cầu LOR, mà các quốc gia đồng minh thường gửi tới Washington đề xuất mua vũ khí.
Blaszczak cho biết đang yêu cầu 500 tổ hợp phóng Hệ thống Pháo phản lực – tên lửa M142 HIMARS (MLRS), thay thế cho hơn 80 tổ hợp pháo phản lực HOMAR sản xuất trong nước của Ba Lan, được cho là sẽ gửi cho Ukraine.
Một hệ thống pháo phản lực – tên lửa và đạn dược đi cùng có giá 5,1 triệu USD, Ba Lan sẽ phải trả hơn 2,5 tỷ USD cho đề nghị trên.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Ba Lan có gửi một số hệ thống này đến Ukraine hay không. Ba Lan cũng đã cho phép các chuyến hàng vũ khí từ các quốc gia phương Tây khác qua biên giới với Ukraine, và tìm mọi cách chuyển giao máy bay chiến đấu cho quân đội Ukraine thông qua một căn cứ Mỹ ở Đức, nhưng không thành công.