<div> <p>Cơ quan đại diện thương mại Mỹ (USTR) vừa công bố Báo cáo có tên gọi Review of Notorious Markets for Counterfeiting and Piracy (tạm dịch <i>Báo cáo về các chợ có tai tiếng về hàng giả và đánh cắp bản quyền</i><span>).</span></p> <p>Trong danh sách, Việt Nam có 3 chợ truyền thống và trực tuyến bán các hàng hóa hữu hình được liệt kê là: Shopee (chợ trực tuyến); Bến Thành và Đồng Xuân (chợ truyền thống).</p> <p>Báo cáo năm 2020 đề cập đến việc lợi dụng các nền tảng thương mại điện tử và các bên thứ ba khác (đóng vai trò trung gian) để kinh doanh buôn bán và nhập khẩu các sản phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ và hàng giả vào thị trường nội địa Mỹ.</p> <p>Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) cho hay, kể từ năm 2006 đến nay, mỗi năm USTR đều công bố các báo cáo cập nhật để các bên liên quan có thể tham khảo, nhằm thúc đẩy cả khu vực tư nhân và các chính phủ đưa ra các hành động thích hợp để giảm nạn vi phạm bản quyền và hàng giả.</p> <p>Tuy vậy, bản báo cáo không đưa ra các bằng chứng cụ thể về vi phạm pháp luật cũng như không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Mỹ về môi trường thực thi và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chung ở các quốc gia có liên quan. Danh sách các chợ được xây dựng chủ yếu dựa trên các thông tin đại chúng công khai.</p> <p>Theo Tổng cục Quản lý Thị trường, riêng với trường hợp cụ thể của Shopee, báo cáo thực chất đề cập tới toàn bộ hệ thống của Shopee hoạt động ở nhiều nước, bao gồm: Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Indonesia, Brazil và Việt Nam. Mặc dù cùng thương hiệu Shopee, nhưng tại mỗi quốc gia lại có một pháp nhân với tên miền có đuôi tương ứng.</p> <p>Theo kiểm tra của Tổng cục Quản lý Thị trường, Shopee tại Việt Nam (Shopee.vn) có cơ chế xử lý các yêu cầu khiếu nại về quyền sở hữu trí tuệ, có quy trình và biện pháp kiểm soát sản phẩm đăng bán và người bán.</p> <p class="article-author cms-author"> </p> </div> <p> </p>