Son môi hấp thụ kim loại nặng?
Theo một kết quả nghiên cứu mới nhất của nhóm nghiên cứu từ Trường Y tế Công cộng Mailman của Đại học Columbia được công bố trên tạp chí Environmental Research, phụ nữ sử dụng các sản phẩm chăm sóc cá nhân, đặc biệt là son môi và dưỡng ẩm, trong khi mang thai có thể khiến đứa con gặp nguy cơ mắc các vấn đề về kỹ năng vận động. Ngoài ra, theo các nhà nghiên cứu, trong son môi được làm từ các thành phần như chất béo, sáp, sắc tố và nước hoa. Son chứa hàm lượng mỡ lông cừu tương đối lớn mà mỡ lông cừu có thể hấp thụ các kim loại nặng từ không khí gây nguy hiểm cho cơ thể. Đặc biệt, son môi có thể hấp thụ các loại vi sinh vật gây bệnh.
Thông tin này khiến không ít người hoang mang. Bà Đỗ Anh Thư, chuyên gia về mỹ phẩm tự làm, Giám đốc Công ty TNHH Thực Mỹ Phẩm Grandpas Garden cho biết, trước hết thành phần của son rất đa dạng, gồm chất béo, sáp ong hoặc một số loại chất khác như sắc tố và hương liệu. Son chứa mỡ lông cừu tương đối lớn là sai vì không phải son nào cũng chứa mỡ cừu. Khi nào thỏi soi ghi thành phần lanolin là có mỡ cừu, còn nếu không thì người ta sử dụng sáp ong và dầu olive vẫn làm ra thỏi son. Có hương liệu hay không là quyền của nhà sản xuất.
Các loại son hiện đại chứa nhiều chì là sai vì chì là chất cấm dùng trong mỹ phẩm và thực phẩm. Tuy nhiên chì bị nhiễm vào trong son, thực phẩm… ở hàm lượng cực nhỏ lại không nguy hiểm cho sức khỏe. “Chì là một tạp chất trong son, ở mức độ dưới 20 phần triệu (0,002%) là theo đúng quy chuẩn để làm mỹ phẩm thông thường, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong mỹ phẩm, chì không phải cố ý đưa vào mà nó có trong thành phần thiên nhiên. Ngay cả không khí, cây cối chiết xuất để làm son cũng có thể nhiễm chì. Hàm lượng chì trong mỹ phẩm thấp hơn nhiều hàm lượng chì trong rau củ mình mua ngoài chợ ăn hàng ngày”, bà Đỗ Anh Thư cho biết.
Son môi an toàn với mọi người
Theo bà Đỗ Anh Thư, son môi có thể hấp thụ chất độc trong không khí là đúng. Nếu son sản xuất trong phòng sạch thì sẽ hạn chế được khả năng hấp thụ chất độc. Nó cũng là bình thường, bất cứ loại mỹ phẩm nào như kem dưỡng, mặt nạ… cũng có thể hấp thụ chất độc trong không khí. Son môi cũng có thể hấp thụ vi sinh vật gây bệnh. Bởi vi sinh vật luôn có trong không khí nên luôn sẵn sàng tấn công con người. Quần áo, thực phẩm cũng vậy. Trong son, mỹ phẩm có điều kiện bảo quản riêng như độ ẩm dưới 65%, nhiệt độ tối ưu là 15-25 độ C, không có ánh nắng là điều kiện tiêu chuẩn. Bảo quản không phù hợp thì sẽ hỏng nhanh hơn.
“Tuy nhiên so với các loại sản phẩm mỹ phẩm không chứa nước như kem dưỡng, mặt nạ, serum… thì son sưỡng hoặc son màu ít có nguy cơ nhiễm khuẩn bằng vì không chứa nước vì nước mới là môi trường để vi sinh vật phát triển. Nhìn vào thành phần của son là biết thỏi son có chứa nước không nên tương đối an toàn. Việc sử dụng son là vô hại với sức khỏe nói chung”, bà Đỗ Anh Thư cho biết.
Bà Đỗ Anh Thư khẳng định, bà bầu dùng son không ảnh hưởng gì đến thai nhi, hoàn toàn không. Mỹ phẩm chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 là sản phẩm cho môi, trẻ em dưới 3 tuổi và sản phẩm vùng quanh mắt. Nhóm này chỉ tiêu vi sinh vật sẽ khắt khe hơn các nhóm khác. Với son, kể cả bà bầu hay trẻ em, người già đều nằm trong nhóm 1 là tổng số vi sinh vật dưới 500 CFU/gam. Bà bầu có thể dùng son như mọi người khác. Các thành phần trong thỏi son đạt tiêu chuẩn trong mỹ phẩm như thực phẩm, tức là với liều lượng bôi 1-2 lớp trên môi không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, không ảnh hưởng đến thai nhi. Thỏi son nào được Bộ Y tế kiểm duyệt và có số công bố y tế đều an toàn với bà bầu.
“Ảnh hưởng của son đến bà bầu có thể có là mùi hương của son có thể làm ức chế bà bầu, từ đó ảnh hưởng đến sinh hoạt và ảnh hưởng đến thai nhi chứ không có chuyện thành phần có trong son làm hại thai nhi”, bà Đỗ Anh Thư.