Năm 2021, Hải quân Mỹ tổ chức cuộc diễn tập hải quân thường niên với nhiều loại hình huấn luyện chiến thuật cao cấp.
Bao gồm những hoạt động liên kết phối hợp cụ thể, tăng cường khả năng tương tác giữa Hải quân Hoàng gia Úc (RAN), Hải quân Ấn Độ (IN), Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF) và lực lượng Hải quân Mỹ.
Giai đoạn đầu tiên của MALABAR, bắt đầu vào tháng 8, có các nội dung như cơ động chiến đấu trên biển, tác chiến chống ngầm, tác chiến phòng không, thục luyện bắn đạn thật, cung cấp hậu cần trên biển, bay cơ động từ chiến hạm này sang chiến hạm khác và cơ động ngăn chặn hàng hải trên Biển Philippines.
Giai đoạn II đang được tiến hành ở Vịnh Bengal. Việc lập kế hoạch và thực hiện các cuộc tập trận đa quốc gia trong hai giai đoạn cho phép các quốc gia tham gia có thể huấn luyện và thao diễn ở hai khu vực khác nhau trên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Giai đoạn thứ hai sẽ bao gồm các cuộc huấn luyện diễn tập tác chiến chống tàu ngầm cơ động trong hành quân từ trên biển và trên không (EMATTEX), trực thăng cơ động từ chiến hạm này sang chiến hạm khác, bắn đạn thật pháo hạm và cung cấp hậu cần trên biển.
Mục đích nhằm tăng cường các hoạt động liên kết phối hợp hải quân giữa các nước trong khuôn khổ liên minh Quad khu vực Ấn Độ Dương.
“MALABAR 21 tăng cường năng lực tương tác trong các lực lượng nhằm hỗ trợ mong muốn chung về an ninh hàng hải toàn cầu” - Đô đốc Dan Martin, chỉ huy Cụm hải quân tấn công tàu sân bay 1 tuyên bố - “Tích hợp đơn vị trong các cuộc diễn tập nhóm nhiệm vụ phức tạp cho thấy khả năng của Hải quân trong việc phối hợp hiệu quả với các đồng minh và đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và giành chiến thắng trong bất kỳ môi trường tác chiến đại dương nào”.
Các đơn vị của lực lượng hải quân Hoàng gia Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ thường xuyên liên kết phối hợp trên vùng nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thực hiện phương thức hợp tác chặt chẽ nhằm đảm bảo an ninh và ổn định khu vực.
Antony Pisani, sĩ quan chỉ huy chiến hạm HMAS Ballarat nói: “Sự tham gia của HMA Ballarat và Sirius trong MALABAR Giai đoạn II nhằm xây dựng khả năng tập thể để đáp ứng những thách thức chung, đảm bảo vùng nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở, hòa nhập và linh động. Hợp tác chặt chẽ với các đối tác quan trọng Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ thúc đẩy tính chuyên nghiệp của hải quân và nâng cao khả năng tương tác trong các tình huống”.
Tham gia cuộc diễn tập MALABAR Giai đoạn II, Hải quân Mỹ có Cụm Hải quân tấn công tàu sân bay (CSG) 1, biên chế Tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN 70); Không đoàn máy bay chiến đấu tàu sân bay (CVW) 2; Tuần dương hạm tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga USS Lake Champlain (CG 57); Khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Stockdale (DDG 106); máy bay tuần tra và trinh sát chống ngầm P-8A Poseidon.
Tham gia diễn tập phía Hải quân Ấn Độ là khu trục hạm tên lửa dẫn đường Rajput- lớp INS Ranvijay (D55), khu trục hạm tàng hình đa nhiệm lớp Shivalik INS Satpura (F48), và máy bay tuần tra và trinh sát chống ngầm P-8I.
Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF) có sự tham gia của khu trục hạm hạng nặng đa năng lớp Izumo JS Kaga (DDH 184), khu trục hạm lớp Murasame JS Murasame (DD 101).
Hải quân Hoàng gia Australia có khinh hạm lớp Anzac HMAS Ballarat (FFH 155) và HMAS Sirius (O 266) tham gia diễn tập.
Dưới quyền chỉ huy của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, Hạm đội 7 là lực lượng tiên phong lớn nhất của Hải quân Mỹ, thường xuyên tương tác và liên kết phối hợp với 35 quốc gia biển nhằm duy trì vùng nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.