Tác dụng tốt với gan, mật
Thành phần dinh dưỡng trong 100g atiso (phần ăn được) có nước 84,8g; protein 4,2g; chất béo 0,2g; carbohydrate (đạm) 11,3g; chất xơ 10,3g; canxi 21mg; natri 296mg; photpho 73mg; kali 286mg; kẽm 0,27mg còn lại là các vitamin A, B, C, E, K…
Theo BS Nguyễn Thị Lan (Đồng Tâm, Hà Nội), trong các nghiên cứu y học hiện đại, atiso có rất nhiều công dụng tốt về mặt y học, thường được dùng để kích thích sự tiết dịch của gan mật, chống sỏi mật, ngộ độc gan. Atiso có tác dụng tốt trong phòng chống xơ vữa động mạch, chống tăng mỡ trong máu hoặc trị chứng khó tiêu. Các món ăn, bài thuốc có atiso giúp giảm lượng cholesterol trong máu, hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện các vấn đề ở dạ dày.
Trong Đông y, hoa atisô dùng trong các trường hợp đau gan, đau dạ dày, ăn uống không tiêu, sản phụ ít sữa, tiểu đường thống phong, thấp khớp, suy nhược cơ thể… Lá atisô vị đắng, có tác dụng lợi tiểu và được dùng trong điều trị bệnh phù và thấp khớp. Lá tươi hoặc khô sắc có tác dụng nhuận trường và lọc máu nhẹ đối với trẻ em. Thân và rễ atisô thái mỏng, phơi khô, công dụng giống lá.
Món ăn bổ dưỡng
Để bồi bổ sức khỏe, người ta thường nấu atisô với móng giò bằng cách, chọn hoa atisô non, rửa sạch, cắt nhỏ, bỏ hết nhụy hoa bên trong, cuống hoa cắt lát mỏng. Móng giò rửa sạch, chặt miếng vừa ăn, ướp ngấm với nước mắm, hành tím, hạt tiêu, rồi hầm đến hơi mềm thì cho bông atisô và cuống hoa vào tiếp tục hầm tới khi móng giò mềm, nêm nếm cho vừa miệng, múc ra bát rắc thêm hạt tiêu, rau mùi, ăn nóng.
Vào mùa nóng, có thể dùng atiso làm trà. Đối với hoa và rễ atiso sau khi thu hái cần phơi khô, cho 50g hoa vào 2 lít nước sôi, đun với lửa nhỏ trong vòng 20 phút, để nguội, lấy nước uống hằng ngày. Đối với lá tươi, có thể đun sôi uống giúp mát gan. Trà atiso giúp thải độc tố trong gan, làm mát da, trị mụn nhọt.
Người cao tuổi khó ngủ có thể cải thiện giấc ngủ bằng uống trà atiso, ngoài ra loại trà này còn giúp ổn định, điều hòa huyết áp đối với những người bị huyết áp tăng hoặc giảm đột ngột, giảm thiểu được tình trạng tai biến, giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, lợi tiểu, cải thiện chức năng của túi mật. Để giúp cơ thể khỏe mạnh, giải nhiệt mùa nóng có thể hấp hoa atiso nhỏ lửa trong vòng 30 phút cho chín tới. Khi ăn, tách từng cánh hoa, chấm phần cùi thịt trắng với xì dầu.
Hoa atiso có tác dụng tốt đối với sức khỏe nhưng theo Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam, không nên lạm dụng vì dễ gây trướng bụng. Do tác dụng tiết mật và co thắt túi mật để đẩy mật từ gan xuống ruột của atisô nên nếu dùng quá thường xuyên hoặc mỗi lần dùng quá nhiều thì có thể gây co thắt toàn bộ cơ trơn của đường tiêu hóa. Đây chính là nguyên nhân nhiều người bị đầy hơi, trướng bụng sau một thời gian dài uống atisô quá nhiều. Hoa atiso mát nên những người có cơ địa tỳ vị hư hàn, ăn uống khó tiêu, cơ quan tiêu hóa có tính lạnh dùng atiso không có lợi.
Hoa atisô rất tốt đối với người muốn lợi tiểu, giải nhiệt cơ thể, an thần nhưng nếu sử dụng quá liều có thể khiến cơ thể bị mất cân bằng điện giải, tăng đào thải hoạt chất, kém hấp thu một số vi chất cần thiết cho cơ thể như canxi, vitamin K, lâu ngày có hại cho thận, dẫn tới suy thận.
Mùa hè nếu uống atiso thường xuyên, liên tục sẽ kích thích gan tiết ra nhiều dịch, trong khi nhu cầu cơ thể không cần đến sẽ làm mất cân bằng các chất và sinh ra bệnh tật, trong đó nặng nhất là teo gan. Vì vậy, mỗi ngày chỉ nên dùng 10 - 20g hoa atiso sắc với nước nếu dùng tươi, 5 - 10g nếu dùng khô. Tốt nhất chỉ nên uống liền trong 10 ngày rồi nghỉ trước khi sang một đợt khác, không nên uống trà atiso liên tục.