<div> <p>Hãng tin <em>AFP</em> cho biết các nước thành viên ASEAN ngày 2-3 vừa tiến hành phiên họp trực tuyến cấp bộ trưởng ngoại giao về các diễn biến xung quanh cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar. Đây là cuộc họp đầu tiên của ASEAN về vấn đề này. </p> <p><em>AFP</em> cũng cho biết cuộc họp không đưa ra được tuyên bố chung cụ thể nào.</p> <p class="item-photo"><img alt="ASEAN chính thức họp về khủng hoảng Myanmar, kêu gọi hoà bình - ảnh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2021/03/03/photo-cms-plo-zadn-vn_3000_wnjz.jpeg" /><br /> <em class="image_caption">Người dân Myanmar biểu tình trên đường phố TP Yangon ngày 2-3. Ảnh: AP</em></p> <p><span>Dù vậy, tuyên bố riêng của Brunei, nước hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên, nêu rõ Ngoại trưởng nước này Hassanal Bolkiah rất quan ngại trước tình hình bất ổn ở Myanmar và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế hết sức có thể, tránh bạo lực đổ máu và tìm kiếm giải pháp hoà bình thông qua đối thoại tích cực. </span></p> <p>Trong khi đó, Ngoại trưởng Indonesia - bà Retno Marsudi trong họp báo sau cuộc họp chia sẻ khủng hoảng chính trị Myanmar đang ngày một xấu đi khi lượng người biểu tình thiệt mạng hay bị bắt tiếp tục tăng lên. </p> <p>"Cuộc họp ngày 2-3 là nhằm thảo luận tìm kiếm giải pháp cho Myanmar. Tuy nhiên, mọi nỗ lực giải quyết vấn đề cần đến từ hai phía. Nguyện vọng và thiện chí giúp đỡ của ASEAN sẽ không thể thành hiện thực chừng nào Myanmar vẫn tiếp tục không mở cửa cho chúng tôi" - bà Marsudi cho hay. </p> <p>Về phía Singapore, <em>AFP</em> cho biết Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan tại phiên họp đã phát biểu khẳng định toàn thể người dân Singapore cảm thấy rất "kinh khủng" và "không thể chấp nhận được" trước việc cảnh sát Myanmar bắn chết hàng chục người biểu tình. </p> <p>Ông Balakrishnan nhấn mạnh khủng hoảng Myanmar nếu để lâu sẽ không có lợi cho Myanmar nói riêng và ổn định khu vực nói chung. "Đây là lúc ASEAN cần thể hiện mình đủ khả năng đưa ra một phản ứng chung về một vấn đề ảnh hưởng toàn khu vực. ASEAN phải cho thấy đủ khả năng bảo vệ các giá trị mình đang theo đuổi là quyền con người và quản trị dân chủ" - ông Balakrishnan nói thêm. </p> <p>Đồng quan điểm, Ngoại trưởng Maylaysia - ông Hishammuddin Hussein cũng kêu gọi trong buổi họp rằng ASEAN phải chủ động hơn trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng Myanmar. Bên cạnh đó, chính quyền quân sự Myanmar cũng phải hợp tác với ASEAN bằng cách tôn trọng quyền con người, tôn trọng ý kiến của người dân. </p> </div> <p> </p>