<div> <p>Trong thông cáo phát đi ngày 30/8, Công ty Asanzo cho biết trong 70 ngày chờ kết luận thanh tra về nghi án "bán hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam", mỗi ngày Asanzo mất 1 tỷ đồng do hệ thống bán hàng tê liệt, nhưng vẫn phải trả lương cho người lao động. Khoản tiền này chưa gồm các chi phí phát sinh khác. Do đó, công ty phải "bất đắc dĩ thông báo tạm ngừng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh", nhưng vẫn duy trì hoạt động bảo trì bảo hành để bảo đảm quyền lợi sau mua hàng của người tiêu dùng. </p> <p>"Trong thời gian tạm ngừng hoạt động, công ty sẽ cố gắng bảo đảm quyền lợi của người lao động trong khả năng của mình, theo quy định pháp luật", Công ty Asanzo cho biết.</p> <p>Hôm nay (30/8) là thời hạn các cơ quan chức năng phải có văn bản gửi Thủ tướng báo cáo về kết luận thanh tra vụ việc liên quan tới Asanzo. Tuy nhiên, ông Đàm Thanh Thế - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (389) cho biết, chưa có kết luận chính thức vụ việc do "phải làm cẩn trọng". Ông cho hay, vụ việc Asanzo liên quan tới nhiều bộ, ngành nên các cơ quan đang cố gắng "làm việc khách quan để có kết luận toàn diện, chính xác nhất". Chánh văn phòng 389 nói sẽ công bố kết luận "ngay khi có thể".</p> <p>Trong khi đó, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, cũng chưa thể công bố báo cáo liên quan vụ việc này do số lượng doanh nghiệp liên quan tới Asanzo tương đối lớn, cần thẩm tra cẩn trọng. </p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td><img alt="Công nhân lắp ráp tivi tại Công ty Asanzo. Ảnh: Trung Sơn" src="https://khds.1cdn.vn/2019/08/31/cong-nhan-lam-vc-tai-nha-may-a-2201-9956-1567181986.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p>Công nhân lắp ráp tivi tại Công ty Asanzo. <em>Ảnh: Trung Sơn</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Trước đó ngày 30/7, Tổ công tác của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có buổi làm việc với Asanzo. B<span>iên bản làm việc của Tổ công tác có nhận xét: "Đối với trường hợp sản phẩm điện tử của công ty Asanzo được sắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi trên nhãn hàng hóa 'sản xuất tại Việt Nam' hoặc 'chế tạo bởi Việt Nam' là đúng quy định pháp luật (cụ thể quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa)".</span></p> <div> <p>Trước đó, theo điều tra của báo <i>Tuổi Trẻ TP HCM,</i> Công ty cổ phần điện tử Asanzo đã nhập hàng loạt thiết bị điện tử xuất xứ Trung Quốc như nồi cơm điện, lò nướng, tivi, máy lạnh, loa... về bóc tem "made in China" và dán nhãn Việt Nam để bán ra thị trường.</p> <p>Trả lời báo chí ngày 23/6, ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Asanzo khẳng định không có chuyện bóc tem Trung Quốc rồi dán tem Việt Nam lên. Theo ông Tam, Tivi Asanzo có 3 linh kiện được nhập từ Trung Quốc gồm: bo mạch, tấm panel và tấm kính (màn hình) chiếm khoảng 70% trên toàn sản phẩm. Còn tất cả chi tiết khác như là vỏ nhựa, remote điều khiển... do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.</p> </div> <p> </p> </div> <p> </p>