Bán lẻ nước: Đầu tư hơn 35 triệu đồng/hộ dân tại nhiều xã
Như Khoa học và Đời sống (KH&ĐS) thông tin, tháng 8/2017 Công ty CP nước AquaOne và Công ty CP nước mặt sông Đuống góp vốn đồng loạt thành lập 03 doanh nghiệp. Gồm các Công ty TNHH hai thành viên phân phối nước sạch huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Công ty TNHH hai thành viên phân phối nước sạch huyện Thanh Trì và Công ty TNHH hai thành viên phân phối nước sạch huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai. Với tỷ lệ vốn góp của AquaOne và Công ty sông Đuống lần lượt là 70%, và 30% tại mỗi doanh nghiệp.
Đến tháng 5/2019, cả 03 doanh nghiệp này đổi thành loại hình doanh nghiệp công ty cổ phần với tên gọi là: Công ty CP kinh doanh nước sạch số 1 AquaOne, Công ty CP kinh doanh nước sạch số 2 AquaOne và Công ty CP kinh doanh nước sạch số 3 AquaOne. Cơ cấu cổ đông của các doanh nghiệp này thay đổi, với việc Công ty CP nước mặt sông Đuống rút lui, thay vào đó là các cá nhân Đỗ Thị Kim Liên và Đỗ Tất Thắng.
Có thể thấy, dù thay đổi cổ đông, cả 3 Công ty CP kinh doanh nước sạch số 1, 2, và 3 AquaOne vẫn là các công ty con của Công ty CP nước AquaOne. Việc thành lập 3 công ty con này cho thấy AquaOne đang tiến chắc, đúng kế hoạch và đúng kỳ vọng của doanh nghiệp này tại thị trường nước sạch Hà Nội.
Theo tìm hiểu của KH&ĐS, tính tới tháng 7/2018, Hà Nội đã giao Công ty CP nước AquaOne triển khai nhiều dự án phát triển mạng lưới nước sạch tới trực tiếp người dân. Cụ thể hơn là tới khoảng 125 xã tương đương 298.700 hộ dân, 1.194.800 người, với suất đầu tư nhiều xã lên đến hơn 35 triệu đồng/hộ dân. Việc thành lập 03 công ty con cũng là để triển khai các dự án phát triển mạng lưới nước sạch.
Cụ thể, các dự án phát triển mạng lưới phân phối nước sạch AquaOne được Hà Nội cho phép triển khai là: phân phối nước sạch cho 90 xã thuộc các huyện Thường Tín (26 xã), Mỹ Đức (20 xã), Ứng Hòa (27 xã), Thanh Oai (17 xã). Hiện dự án đã hoàn thành công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở, nhà đầu tư đang hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư.
Dự án phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho 32 xã thuộc các huyện: Sóc Sơn (18 xã), Đông Anh (9 xã), Gia Lâm (5 xã) đến nay dự án đã hoàn thành việc cấp nước cho 02 xã Trung Màu, Văn Đức thuộc huyện Gia Lâm. Và dự án xây dựng hoàn thiện hệ thống mạng lưới phân phối nước sạch cho 03 xã thuộc huyện Thanh Trì (xã Đại Áng, Ngọc Hồi, Liên Ninh) hiện đã hoàn thành thiết kế thi công và thẩm tra thiết kế thi công.
Với quy mô tổ chức mô hình công ty mẹ - con, có thể thấy AquaOne vừa là nhà đầu tư nước nguồn, vừa bán lẻ trực tiếp đến người dân 125 xã trên. Việc bán nước sạch là khép kín và diễn ra thuận lợi giữa "gia đình" Công ty CP nước mặt Sông Đuống với 3 công ty con nêu trên. Mà không khó khăn như bán buôn nước với Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty CP Nước sạch số 2 Hà Nội.
Ngoài các dự án trên, UBND TP Hà Nội còn chấp thuận cho phép Công ty CP nước AquaOne thực hiện đầu tư dự án xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai với công suất lên đến 300.000m3/ngày đêm.
BOT nước sạch?
Một nghịch lý có thể thấy, việc TP Hà Nội chấp thuận giá bán buôn tạm tính (10.246 đồng/m3) cho Nhà máy nước mặt Sông Đuống (tháng 6/2016) đã khiến các doanh nghiệp nước sạch Hà Nội (vốn đang hoạt động ổn định) gặp khó khăn.
Tại Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội - một cổ đông được "ghi vốn" thành lập Công ty CP nước mặt Sông Đuống - sản lượng sản xuất nước duy trì ổn định bình quân đạt 650.000m3/ngày đêm, tổng doanh thu từ 1.525 tỷ đồng (năm 2016) tăng trưởng lên 1.777 tỷ đồng (năm 2018). Còn lợi nhuận từ 302 tỷ đồng (năm 2016) tăng lên 414 tỷ đồng (năm 2018). Tuy nhiên, theo kế hoạch năm 2019, doanh thu công ty này chỉ còn 1.605 tỷ đồng, lợi nhuận giảm chỉ còn 173 tỷ đồng.
Với Công ty CP Nước sạch số 2 Hà Nội, kế hoạch sản lượng nước tự sản xuất năm 2019 là 13.080.700m3, giảm 6,76% so với năm 2018 (14.029.443m3), trong khi sản lượng nước mua từ Sông Đuống tăng lên 5,53% (từ 29.283.335m3 tăng lên 30.902.721m3). Cả hai công ty nước sạch nêu trên đều có hợp đồng mua buôn nước từ Nhà máy nước mặt Sông Đuống để bán lẻ lại tới người dân. Danh sách này có thể mở rộng tới Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông. Việc có nguồn cung nguồn nước sạch sông Đuống sẽ giảm sản lượng khai thác nước ngầm (theo quy hoạch của Hà Nội), nhưng kéo giá nước sạch tăng, dẫn đến phải điều chỉnh tăng giá nước.
Ngày 8/10/2019, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành xây dựng lộ trình “xóa sổ” các giếng khai thác nước ngầm trên địa bàn thành phố. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về tình trạng ô nhiễm nước ngầm. Chỉ đạo trên cho thấy, các doanh nghiệp vốn đang khai thác nước ngầm của thành phố Hà Nội sẽ gặp muôn vàn khó khăn trong thời gian tới bởi chính các dự án nước mặt.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, từ tháng 6/2016 đến nay, UBND TP Hà Nội đã liên tục có các chỉ đạo, lên tới hàng chục văn bản, liên quan tới lĩnh vực cung cấp nước sạch. Đặc biệt, "thành phố đã tích cực kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển nguồn, phát triển mạng lưới đường ống cấp nước".
Từ giác độ quản lý, nếu vì lợi ích được hưởng nước sạch của 298.700 hộ dân, với khoảng 1.194.800 người, việc hi sinh lợi ích của một vài doanh nghiệp nước ngầm là có thể chấp nhận được. Và nếu kế hoạch cấp nước tới 125 xã của AquaOne thành công, thì đó cũng là thành công của chủ trương "xã hội hóa đầu tư phát triển nguồn, phát triển mạng lưới đường ống cấp nước" của thành phố. Tuy nhiên, những toan tính to lớn vì thành tích và vì lợi nhuận có thể biến nhiệt huyết của những nhà quản lý, nhà đầu tư trở thành toan tính lạnh lùng về mặt số học. Trong khi đẩy mạnh xã hội hóa sản xuất và phát triển mạng lưới cấp nước tới vùng nông thôn trực thuộc hàng chục năm qua chưa được hưởng quyền lợi về nước sạch, Hà Nội cũng đồng thời đã phát đi thông điệp về lựa chọn sẽ tăng gấp đôi giá nước sinh hoạt.
Việc tăng gấp đôi giá dịch vụ cơ bản và rẻ tiền là nước sạch, rõ ràng không thể coi là sự uyển chuyển hay lựa chọn tốt về yêu cầu quản lý. Chưa kể điều đó có thể mở đường cho những toan tính thực dụng của doanh nghiệp, mà bất chấp ý định tốt của nhà quản lý và khao khát của người dân.
Hà Nội đang sắp thành công với chương trình hàng trăm nghìn số hộ dân nội thành và nông thôn được hưởng thành quả nước sạch sông Đuống. Nhưng cũng là sự thật, sự hưởng ấy, lại đi kèm với mức giá "chát" do doanh nghiệp đề xuất và thành phố chấp thuận. Chương trình mà Hà Nội đang nỗ lực, theo cách ấy, đã lại mang màu sắc của mô hình BOT, và là BOT nước sạch.