Hóc xương gà, sa… bệnh viện
Các bác sĩ Khoa thăm dò chức năng, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ vừa gắp mảnh xương gà găm sâu vào thực quản bệnh nhân bằng phương pháp nội soi gây mê.
Nữ bệnh nhân N., 53 tuổi, địa chỉ ở Đoan Hùng, Phú Thọ, ngày 10/1 đến Bệnh viện đa khoa Hùng Vương thăm khám trong tình trạng đau họng, khó nói, cổ sưng, nóng đỏ, nuốt khó, không ăn được kèm theo sốt nhẹ.
Chị N cho biết, cách thời gian vào viện khoảng một tuần, trong khi ăn cơm với thịt gà, không may chị bị hóc xương. Dù đã thực hiện các mẹo trong dân gian nhưng mảnh xương gà không trôi xuống.
Các bác sĩ đang tiến hành thăm khám cho bệnh nhân. |
Sau một tuần, họng đau nhiều, bệnh nhân không ăn uống được, phải đến viện thăm khám. Kết quả nội soi phát hiện dị vật cắm sâu hai đầu thành thực quản gây hai ổ áp xe chảy nhiều dịch mủ, bám chặt vào thành thực quản, cách cung răng trên khoảng 20cm.
“Thực quản bệnh nhân nhiễm trùng nặng, áp xe trung thất, bệnh nhân không ăn uống được, ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ, nếu không kịp thời điều trị sẽ nguy hiểm đến tính mạng”, BS Nguyễn Văn Hải, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết.
Các bác sĩ đã gắp dị vật, làm sạch ổ mủ, cầm máu cho bệnh nhân. Dị vật là mảnh xương gà có hai đầu sắc nhọn dài khoảng 4cm.
Không tự ý móc, gắp xương ra
BS Nguyễn Văn Hải chia sẻ, khi bị hóc xương, người dân thường sử dụng các phương pháp dân gian để chữa mẹo như: cho nắm muối vào bếp, đấm tay lên đỉnh đầu theo vía, uống nước, hoặc ăn miếng cơm to…
Nếu là những xương nhỏ, xương sẽ tự tiêu hoặc đào thải ra ngoài cơ thể. Nhưng nếu mảnh xương lớn thì hậu quả khôn lường. Việc cố nuốt hay móc xương khiến xương càng bị cắm sâu thêm vào thành thực quản. Đặc biệt, dân gian vẫn có câu nói: “Hóc xương gà, sa cành khế” để chỉ sự nguy hiểm của loại tai nạn này.
BS Hải cho biết, cách đây mấy tháng, bệnh viện cũng đã gắp một mảnh xương cá, ở vị trí gần động mạch chủ, có nguy cơ gây thủng thực quản, chảy máu cho một cụ bà 80 tuổi. Bệnh nhân bị hóc xương, phải nhập viện chỉ vì húp bát canh cá tráng miệng sau bữa cơm.
BS Hải khuyến cáo, đối với các mảnh xương lớn, khi dị vật tồn tại quá lâu, cắm sâu vào thành thực quản thì có thể tạo thành ổ áp xe, nhiễm trùng nặng. Nếu xương trôi xuống dạ dày, ruột cũng có thể tạo những ổ nhiễm trùng. Hoặc có trường hợp tử vong vì chảy máu.
“Những trường hợp bị hóc xương, xương mắc vào cổ họng cần đến ngay bệnh viện để được khám và xử lý kịp thời. Tuyệt đối không tự ý móc, gắp xương ra vì điều đó khiến dị vật trôi xuống sâu hoặc đâm sâu hơn vào thực quản rất nguy hiểm”. - BS Hải khuyên.
Hạn chế vừa cười, vừa nói mỗi khi đang ăn uống, nhất là ăn các thức ăn có xương. Gỡ bỏ xương ngay trong đĩa, bát, không nên cho cả miếng thức ăn vào miệng rồi dùng lưỡi và răng để “nhằn”, gỡ xương. Đối với cá, nên xé thành từng miếng nhỏ, để có thể loại bỏ được cả những mẩu xương nhỏ li ti. Khi ăn, cần nhai kỹ, cẩn thận, tránh nhai rối, nuốt vội, đặc biệt với người sử dụng răng giả lại càng phải cẩn thận.