Sáng nay (12/6), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão.
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, chiều 11/6, vùng áp thấp trên Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Theo ông Khiêm, áp thấp nhiệt đới hình thành trên rãnh thấp hội tụ nhiệt đới, hoàn lưu rộng, phạm vi gây mưa rộng kéo dài từ Bắc Bộ tới Bắc Trung Trung Bộ, đây là đặc điểm đáng lưu ý của cơn áp thấp nhiệt đới này.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, lúc 7h sáng nay, áp thấp nhiệt đới đang ở phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc) và khả năng chiều nay áp thấp mạnh thêm một cấp, hình thành bão khi vào phía trong vịnh Bắc Bộ.
Phạm vi ảnh hưởng trọng tâm là các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh, Hải Phòng đến Thanh Hóa, Nghệ An.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên từ phía Bắc vĩ tuyến 16,5 độ Vĩ Bắc, phía Tây kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và lốc xoáy của áp thấp nhiệt đới.
Trên đất liền, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có gió mạnh cấp 5, giật cấp 6-7, các huyện ven biển có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8.
Từ chiều nay cho đến ngày 14/6, mưa diện rộng từ các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ cho tới Thừa Thiên Huế, lượng mưa tập trung lớn vào khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ có tổng lượng mưa đạt 150-250 mm/đợt, có nơi trên 350 mm/đợt. Các khu vực khác mưa từ 100-150 mm/đợt.
Theo ông Khiêm, dự báo sáng 13/6, bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến Thanh Hóa, hoàn lưu áp thấp rộng, nên các tỉnh khác cần lưu ý giông, lốc, sét và gió giật mạnh. Cảnh báo người dân không ở lại trên các chòi canh, lồng bè nuôi trồng thủy hải sản và mưa lớn gây ngập úng ở các đô thị.
Theo đại diện Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, đến 6h ngày 12/6, các đơn vị đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 54.732 phương tiện với 225.936 người biết diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động di chuyển vòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết, hiện còn 4 tàu đang nằm trong vùng nguy hiểm, các địa phương và các đơn vị đang tiếp tục kêu gọi tàu thuyền di chuyển vào bờ.
Phó trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài nhận định với đặc điểm áp thấp nhiệt đới hình thành rất nhanh trên vùng biển có nhiều tàu thuyền đang hoạt động, bên cạnh đó hoạt động nuôi trồng thủy hải sản và kinh tế ven biển rất lớn, trong khi dự báo mưa có nơi lên tới 350 mm thì tuyến biển, đồng bằng và miền núi đều có nguy cơ rủi ro rất cao.
Ông Hoài yêu cầu khẩn trương thông báo, hướng dẫn, kiểm đếm tàu thuyền, đặc biệt là tàu thuyền đang ở vùng nguy hiểm phải gọi điện trực tiếp cho chủ tàu thuyền, đồng thời thông tin ngay với Bộ Giao thông vận tải để hướng dẫn các tàu hàng hải chủ động neo đậu.
"Lưu ý đảm bảo an toàn trên các đảo, đặc biệt là khách du lịch hiếu kỳ. Tùy diễn biến có thể cấm biển và cương quyết di dời người dân ở trên các lồng bè, chòi canh trong chiều tối nay. Đề nghị bộ đội biên phòng tối nay tăng cường bắn pháo hiệu báo cơn áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão này", ông Hoài nói.