Áp lực học tập gây tổn thương tâm lý

(khoahocdoisong.vn) - Theo GS.TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam, cần phải phân biệt giữa yêu cầu cao và áp lực. Áp lực học tập có thể khiến trẻ bị tổn thương về mặt tâm lý, rất nguy hiểm.

Trầm cảm vì áp lực học tập

Trên tài khoản facebook của cô giáo, ThS Nguyễn Nhung (ĐH Quốc gia Hà Nội) vừa chia sẻ lại một tâm sự của một thầy giáo: “Hôm nay dạy các cháu lớp 6. Các cháu thi nhau khoe với thầy xem ai phải học nhiều hơn. Cuối cùng cũng tìm ra quán quân.
Một cậu bé học từ 7h30 sáng đến 16h15 chiều (nghỉ trưa hơn 1 tiếng bao gồm cả ăn trưa, con nói chỉ có khoảng 45 phút ngủ trưa nhưng nhiều hôm không ngủ được do các bạn làm ồn).

Sau khi học xong chiều con phải học 1 ca từ 16h30 đến 18h. Rồi di chuyển cho kịp lớp tối từ 18h đến 21h. Con có 15 phút từ 16h15 đến 16h30 để ăn bánh mì trong khi bố mẹ chở đi học. Về nhà ăn uống tắm rửa rồi lại vào bàn học từ 22h đến 1h sáng hôm sau.

Lịch trên là từ thứ 2 đến thứ 6. Thứ 7 sáng học ở trường, chiều học từ 14h đến 17h, tối từ 18h đến 21h. Chủ nhật sáng ở nhà làm bài tập về nhà, chiều và tối thì như thứ 7, sau đó tối về nhà lại làm bài tập về nhà để hôm sau đi học.

Con nói “giờ con thèm nhất là ngủ thầy ạ. Con không cần chơi đâu, chỉ cần được  ngủ thôi, mắt con thâm hết rồi...”.
"Có cần phải học tập quay cuồng thế không? Hãy bớt học thêm, hãy đi học khiêu vũ, chơi nhạc, chơi thể thao, đọc sách... để làm mềm tâm hồn đi", cô Nhung viết.

Bản cam kết của học sinh lớp 6/2 Trường THCS Lê Lợi có chữ ký của phụ huynh cam kết sẽ được điểm cao hơn do giáo viên chủ nhiệm cung cấp đã một lần nữa làm dấy lên trong dư luận về áp lực học tập đối với học sinh.

Bản cam kết của học sinh lớp 6/2 Trường THCS Lê Lợi có chữ ký của phụ huynh cam kết sẽ được điểm cao hơn do giáo viên chủ nhiệm cung cấp đã một lần nữa làm dấy lên trong dư luận về áp lực học tập đối với học sinh.

Người viết cũng đã đọc được tâm sự từ một em học sinh THPT: “Tôi cũng biết sự vất vả mà bố mẹ đã phải chịu để kiếm cho tôi đồng tiền ăn học, nhưng tôi dần hiểu ra việc đó đồng nghĩa với việc tôi phải trả cho bố mẹ những đầu điểm tốt, những điểm phẩy trung bình môn thật cao và danh hiệu thật xuất sắc

Nhưng cái đó để làm cái gì? Cái tôi cần là sau mỗi ngày dài học trên lớp, bước chân về nhà được nghe giọng nói thân thương, vào bếp đã thấy mâm cơm được dọn sẵn... Cái tôi cần là những hôm đi học về câu đầu tiên bố mẹ hỏi tôi là “ Hôm nay đi học vui không con?”

Tôi thật sự sắp không thể cố gắng được nữa rồi. Tôi chỉ mong được ngủ một giấc dài thật là dài và đi một nơi xa thật xa, trốn khỏi những áp lực đã giày xé tâm hồn tôi mỗi đêm”.

Một cô giáo ở Hà Nội chia sẻ, trong lớp cô chủ nhiệm, đã có 4 học sinh bị trầm cảm vì áp lực học hành.  Những học sinh tuy mới cấp 2, nhưng đã không còn một chút thời gian nào cho vui chơi. Rất nhiều em lịch học dày đặc, thời gian ngủ còn không có.

Bản thân người viết cũng có một người bạn vừa trải qua một cú sốc (và hiện tại vẫn chưa qua khủng hoảng) khi con trai bỏ nhà đi qua đêm, không về nhà, gia đình ngỡ là con bị kẻ xấu bắt cóc. Nhưng sau khi tìm được con mới biết, từ chính những áp lực học tập mà gia đình dồn lên con, con sợ hãi khi bị điểm kém mà đã không dám về nhà.

Cần phân biệt giữa yêu cầu cao và áp lực

Người mẹ đó tâm sự: “Cái đêm chưa tìm thấy con, tôi ngồi miên man nghĩ, nhớ tới những lúc tôi mắng con vì điểm kém, gây áp lực cho con. Lúc đó, tôi chợt nhận ra, điểm số, mọi thành tích học tập của con đối với tôi đều vô nghĩa hết. Tôi chỉ cần có con, và con lành lặn, khỏe mạnh là đủ”.

Tuy nhiên, nếu không gây cho con áp lực, “gò” con vào kỷ luật học tập, thì sợ con lại mải chơi, lơ là, đó là băn khoăn của không ít phụ huynh.

Trao đổi với KH&ĐS về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam chia sẻ: Trong học tập, việc có yêu cầu cao đối với con trong học tập và rèn luyện là cần thiết để trẻ thấy được mục tiêu. Nếu không đặt yêu cầu cao để trẻ phấn đấu thì trẻ dễ buông xuôi. Nhưng thực hiện yêu cầu cao đó lại không được dùng sức ép, sự dồn nén. Bất kỳ một áp lực nào thì cũng đều không tốt.

Trong tâm lý học đều đưa ra lời khuyên giảm áp lực để không gây sang chấn về tâm lý.

Để thực hiện các yêu cầu cao đó đối với học sinh, giáo viên có thể thực hiện bằng nhiều con đường. Tuy nhiên, quan trọng là sự khích lệ, tổ chức làm sao để cho học sinh biết làm việc một cách hợp lý, khoa học.

Đối với các bậc cha mẹ, cần phải kết hợp nhiều biện pháp, nhưng cần đồng hành với con từng vấn đề một. Giúp con tự tìm ra cách giải quyết. Đặc biệt, không sử dụng đòn roi, mắng chửi.

Hiện nay ở ta, việc chạy đua điểm số đang là một vấn nạn, điều này cũng là một trong những nguyên nhân gây áp lực cho những đứa trẻ.

Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đã đang giảm đi việc cho điểm học sinh. Thường là những năm cuối cấp 2 mới cho điểm.

Nguyên tắc trong giáo dục bao giờ cũng phải để học sinh thích học, biết cách học, có thói quen học và rồi mới là đánh giá kết quả học.

Việc ép buộc học sinh phải học giỏi, đạt điểm cao ở tất cả các môn là phản giáo dục.

Bởi vì, mỗi học sinh sẽ có những năng lực khác nhau. Một em có năng khiếu về vẽ, hội họa, không nhất thiết phải bắt em đạt điểm cao về môn Toán.

Học là để phát triển con người, phát huy được những sở trường của mình. Nếu môn học theo đúng năng khiếu, trẻ sẽ học rất nhanh, còn nếu không thì sẽ rất khó khăn.

“Cần phải phân biệt cho phụ huynh thấy sự khác nhau giữa yêu cầu cao và áp lực. Nhất là đối với học sinh cấp 2, khả năng chịu đựng, tự tìm ra giải pháp để thoát khỏi áp lực yếu hơn các em ở cấp 3. Khi phải chịu đựng áp lực, những em yếu đuối sẽ dễ bị tổn thương tâm lý”, ông Lâm nói.

“Về mặt tâm lý lứa tuổi, khi trẻ học cấp 2 là giai đoạn trẻ biến đổi nhiều nhất. Cùng một lúc, trẻ chịu hai thứ biến đổi, cả về tâm lý và sinh lý, mà đều là những biến đổi lớn cả. Nếu không chia sẻ, giúp trẻ nhận thức bản thân thì dễ dẫn tới sai lệch. Mà khi sai lệch thì chữa rất khó và rất khổ”, GS.TS Nguyễn Tùng Lâm.

Theo Đời sống
back to top