Áp lực cũng khiến trẻ đau dạ dày

(khoahocdoisong.vn) - Nếu như trước đây đau dạ dày thường gặp ở người trung niên, cao tuổi do cuộc sống vất vả, căng thẳng, ăn uống thất thường thì nay, đau dạ dày gặp cả ở trẻ vị thành niên mà nguyên nhân do không tập trung khi ăn, bị căng thẳng…

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, trước đây đau dạ dày hay gặp ở người lớn nhưng hiện nay nhiều trẻ ở độ tuổi cấp 1 cũng mắc đau dạ dày với biểu hiện đau dữ dội, giống với triệu chứng đau do giun chui ống mật nên nhiều phụ huynh tưởng con mình bị giun, tự dùng thuốc tẩy giun mà không đưa trẻ đi khám.

Đau dạ dày ở trẻ có những triệu chứng đặc trưng như đau âm ỉ, ít khi ợ chua giống như bệnh dạ dày ở người lớn. Đau dạ dày ở trẻ có thể do nhiễm vi khuẩn HP do ăn nhai, ăn mớm, dùng chung đồ chứa đựng nước uống hay thức ăn với người mang vi khuẩn HP. Tuy nhiên, nhiều trẻ mắc đau dạ dày còn do thói quen sau ăn chạy nhảy ngay, để đói quá mới ăn hoặc trẻ gặp nhiều căng thẳng, áp lực từ cuộc sống, học tập...Căng thẳng và sợ hãi là một trong những nguyên nhân góp phần dẫn đến bệnh lý dạ dày.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, khi bị căng thẳng, cơ thể phản ứng bằng cách tiết ra các hormon giúp cung cấp năng lượng mạnh mẽ cho các cơ và làm tăng nhịp tim, khiến trẻ thở nhanh hơn. Nếu căng thẳng xảy ra thường xuyên hoặc kéo dài quá lâu sẽ gây tác động xấu lên cơ thể và sức khỏe. Căng thẳng thần kinh có thể gây nên đau đầu, bụng, lưng và khó ngủ, làm suy yếu hệ thống miễn dịch, suy giảm chức năng hệ tiêu hóa. Vì khi gặp căng thẳng, hệ thần kinh sẽ tiết ra nhiều axit HCL, chất này là nhân tố gây tổn hại niêm mạc dạ dày, gây tình trạng viêm loét dạ dày, tá tràng. 

Tình trạng căng thẳng thần kinh ảnh hưởng tới dạ dày xảy ra ở hầu hết mọi đối tượng nhưng nhiều nhất là trong độ tuổi lao động và học tập. Tình trạng này nếu không được phát hiện và chữa trị sớm sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm loét dạ dày. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khi chăm sóc trẻ, cha mẹ cần chú ý việc vệ sinh ăn uống cho trẻ để phòng ngừa các bệnh tiêu hóa nói chung. Không nên cho trẻ vừa ăn vừa chơi máy tính, xem tivi hay nhảy múa hát ca trong bữa ăn. Vừa ăn vừa xem tivi khiến trẻ không tập trung, thức ăn vào dạ dày khó tiêu hóa, trẻ ăn không ngon, hạn chế tiết dịch tiêu hóa thức ăn và có thể dẫn đến các bệnh lý về tiêu hóa.

Chăm sóc trẻ nên toàn diện, không nên tạo quá nhiều áp lực. Khi khối lượng bài vở nhiều, nên giảm tải cho dạ dày bằng cách cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu. Khuyến khích trẻ ăn canh, súp vì thức ăn nấu chín sẽ không gây áp lực với hệ tiêu hóa. Bữa phụ có thể cho trẻ ăn thêm chuối vì chuối tốt cho dạ dày. Chuối có khả năng trung hòa hàm lượng axit vượt ngưỡng cho phép xuất hiện trong dịch dạ dày và làm giảm nguy cơ viêm tấy. Chuối chứa chất pectin là dạng chất xơ hòa tan, rất có lợi với người mắc rối loạn tiêu hóa, mắc các chứng táo bón và tiêu chảy. Sữa chua là thực phẩm nên được ưu tiên trong bữa phụ vì sữa chua cung cấp rất nhiều probiotic, cải thiện chức năng tiêu hóa cho đường ruột.

Theo Đời sống
back to top