Anh nông dân nuôi dê bằng công nghệ tuần hoàn

Nuôi hơn 500 con dê Boer, trang trại gần như không có mùi hôi. Chất thải được thu gom triệt để, cung cấp cho vườn sầu riêng và cà phê. Dê giống và dê thịt luôn “hút hàng” ngoài thị trường.

Đó là mô hình trang trại chăn nuôi dê khép kín, tuần hoàn hữu cơ của anh Vũ Quang Chính (thôn 3, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng).

Mô hình này được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao, hàng năm cho thu nhập từ 700 triệu đến 1,5 tỷ đồng. Nhiều nông dân tại địa phương và các tỉnh lân cận đã tìm đến anh Chính học hỏi.

Anh Chính bên chuồng nuôi dê công nghệ tuần hoàn.

Anh Chính bên chuồng nuôi dê công nghệ tuần hoàn.

Đầu tư gần 2 tỷ xây chuồng dê

Trước đây, anh Vũ Quang Chính chọn mô hình nuôi thỏ Newzealand. Từ năm 2019, sau khi đi tham quan và học hỏi, anh quyết định chuyển đổi sang nuôi dê Boer (nguồn gốc Nam Phi) để phát triển kinh tế gia đình. Ban đầu, anh khởi nghiệp rất khó khăn do quyết định áp dụng công nghệ kỹ thuật cao trong xây dựng chuồng trại.

Trên mảnh đất rộng 750 m2 của gia đình, anh Chính đầu tư gần 2 tỷ đồng xây dựng 3 dãy chuồng dê kiên cố. Thiết kế của khu chuồng rất đặc biệt, đỡ phía dưới là hàng cột bê tông cao hơn 4 m, có tác dụng nâng toàn bộ khu chuồng cách xa khỏi mặt đất. Dê ở chuồng chính là trên nhà sàn.

Anh Chính bên đồng cỏ.

Anh Chính bên đồng cỏ.

Phần mái được thiết kế có nhiều tấm tôn sáng. Tường xung quanh chỉ che một nửa. Phía gần mái là các ô cửa sổ bằng kính. Tác dụng của mái tôn và các tấm kính là lấy ánh sáng Mặt trời chiếu vào khu chăn nuôi.

Phía trong được chia nhỏ thành các ô chuồng, phân ra từng loại dê lớn nhỏ để tiện chăm sóc theo độ tuổi. Sàn chuồng được lót bằng những thanh gỗ có khe hở vừa phải. Phân dê và thức ăn thừa sẽ theo các khe này lọt xuống khu chứa phân dưới đất cách mặt sàn hơn 4m. Sau khi cho dê ăn, việc vệ sinh chuồng trại rất thuận tiện. Do chất thải nằm cách xa vật nuôi, đàn dê luôn khỏe mạnh, ít bị nhiễm bệnh từ các loại ký sinh.

Ngoài tiện chăm sóc vật nuôi, việc khai thác chất thải của đàn dê để làm phân hữu cơ cũng rất thuận lợi. Xe cơ giới có thể vào gầm chuồng khai thác phân hữu cơ mà không làm ảnh hưởng đàn dê phía trên.

Nông nghiệp tuần hoàn giữa chăn nuôi và trồng trọt

Đàn dê của anh Chính hiện có trên 500 con, trong đó, 20 cặp dê bố, mẹ, số còn lại là dê hậu bị. Để chủ động nguồn thức ăn cho bầy dê, anh trồng cỏ trên một phần diện tích đất của gia đình.

Bên cạnh đó, anh cũng thuê các mảnh đất trồng cây kém hiệu quả của những hộ xung quanh để trồng cỏ. Một số nơi, anh trồng cỏ xen kẽ cây cà phê và sầu riêng của người dân. Đến mùa, thay vì trả tiền thuê đất, anh trả bằng phân dê để bón cho vườn cà phê và sầu riêng. Một năm thuê 5 ha đất, cuối mùa, anh trả 1.000 bao phân dê. Đó là cách làm nông nghiệp cộng sinh, tuần hoàn, đôi bên cùng có lợi của nông dân tại đây.

Mô hình nuôi dê của anh Chính được nhiều nông dân tìm đến học hỏi.

Mô hình nuôi dê của anh Chính được nhiều nông dân tìm đến học hỏi.

Tổng diện tích đất trồng cỏ phục vụ cho trại dê của anh Chính hiện nay là trên 20 ha. Bốn loại cỏ được trồng gồm cỏ voi xanh không lông, cỏ bò truyền thống, cỏ xả và lá cây mít.

Anh Chính cho hay, người chăn nuôi phải biết hàm lượng dinh dưỡng từng loại cỏ, thực hiện phối hợp từng loại cỏ khi cho dê ăn để đảm bảo nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho bầy đàn.

Cũng theo anh Chính, việc chăn nuôi dê nói riêng, gia súc nói chung phải chủ động được nguồn cỏ. Không có diện tích trồng cỏ tức là không chủ động được nguồn thức ăn, từ đó phải phụ thuộc vào nguồn thức ăn bên ngoài. Người chăn nuôi sẽ không thể cân bằng khi giá cám, thức ăn lên xuống.

Trang trại của anh Chính hiện tạo công ăn việc làm cho 7 lao động địa phương. Năm 2022, anh nhận thêm 4 trang trại vệ tinh ở các xã Lộc Tân, Lộc Ngãi, Lộc Quảng và Lộc Thành (huyện Bảo Lâm) với quy mô 50 - 60 con dê sinh sản/1 trại.

Từ thành công của trang trại, hàng năm, anh đón tiếp các đoàn thuộc trường đại học và Hội Nông dân từ nhiều tỉnh lân cận đến tham quan, học hỏi.

Theo Đời sống
back to top