Thông thường, vào mùa hè trẻ hay mắc một số bệnh như tiêu chảy, sốt, ho... một trong các nguyên nhân gây bệnh cho trẻ có liên quan đến thời tiết, ăn uống. Nhiệt độ cao khiến thức ăn dễ bị ôi thiu, khi trẻ ăn phải các thức ăn bị ôi thiu dẫn đến nguy cơ bị bệnh tiêu chảy. Vì vậy, thức ăn cho trẻ cần phải lựa chọn thực phẩm tươi, thức ăn cần nấu chín hoặc đun sôi lại trước khi ăn. Nếu thực phẩm còn lại sau mỗi bữa ăn cần bảo quản thật tốt. Mùa hè, khi cho trẻ ăn cần chú ý tới nước uống, nhất là trong khi chơi trẻ sẽ mất nước qua mồ hôi.
Chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển cơ thể của trẻ, nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng cho trẻ như sau: Về năng lượng, nhu cầu trung bình theo tuổi (Kcal/24h) trẻ từ 4 - 6 tuổi là 1.600Kcal, từ 7 - 9 tuổi là 1.800Kcal. Về chất đạm, nhu cầu chất đạm trung bình theo tuổi (gam/24h), trẻ 4 - 6 tuổi là 36 - 40g, trẻ từ 7 - 9 là 40 - 45g. Chất béo chiếm từ 25 - 30% tổng năng lượng khẩu phần ăn hằng ngày. Các vitamin và chất khoáng cần chú ý đến các loại vitamin A, vitamin B1, B2, PP, C và các loại chất khoáng như Fe, folic, Zn, canxi... Để cung cấp đầy đủ vitamin và chất khoáng cần phải cho trẻ ăn đa dạng, phối hợp các loại thực phẩm trong 1 ngày cũng như trong từng bữa ăn.
Bên cạnh chế độ ăn, cần cho trẻ uống nước đúng cách. Trong điều kiện bình thường, chuyển hoá nước được điều hoà chặt chẽ, số lượng nước đưa vào hàng ngày luôn cân bằng với số lượng nước bài tiết ra khỏi cơ thể. Cân bằng này khiến trọng lượng cơ thể luôn ổn định trong một thời gian dài. Nước vào cơ thể chủ yếu qua ống tiêu hoá. Khi thời tiết nắng nóng cần thường xuyên bổ sung nước, tránh để thiếu nước. Việc uống nước cũng cần uống từ từ, không nên uống nhiều một lúc, các loại nước uống như nước hoa quả, nước rau, nước oresol, nước có pha thêm chút muối...
Uống quá nhiều nước một lúc không tốt cho sức khỏe. Nước trong cơ thể bài tiết ra ngoài, thành phần chính là nước và một số chất điện giải như natri, kali được hòa toan trong nước. Khi bổ sung nước vào cơ thể quá nhiều trong một thời gian ngắn, cảm giác khát không giảm thậm chí còn thấy khát hơn, Uống nhiều một lúc làm lượng mồ hôi bài tiết ra nhiều hơn, cơ thể càng mệt mỏi hơn vì mất quá nhiều chất điện giải. Khi uống nước càng chậm càng tốt, uống từ từ và chia nhỏ lượng nước cần uống, nó sẽ giảm cơn khát tốt hơn.
Khi khát, không nên uống nước đá, nước lạnh nhằm giải tỏa cơn khát vì sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn so với thân nhiệt sẽ không tốt cho sức khỏe, dễ bị viêm họng, người bị sâu răng sẽ bị đau nhức, tê buốt. Nước uống phù hợp nhất là những loại nước để ở môi trường tự nhiên, phù hợp với nhiệt độ cơ thể trẻ.
ThS.BS Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng Quốc gia)