Ăn uống phòng sỏi thận

(khoahocdoisong.vn) - Có nhiều nguyên nhân gây sỏi thận tiết niệu. Sự hình thành sỏi thường do các muối khoáng hòa tan (canxi, oxalat, urat...) trong nước tiểu. Khi xuất hiện những rối loạn về mặt sinh lý bệnh kết hợp những yếu tố thuận lợi như giảm lưu lượng nước tiểu, nhiễm khuẩn tiết niệu, thay đổi pH nước tiểu, dị dạng đường niệu, yếu tố di truyền... thì các muối khoáng hòa tan sẽ kết tinh, hình thành một nhân nhỏ, sau đó lớn dần thành sỏi tiết niệu.

Hiện nay, với lối sống lười vận động, thói quen ăn uống không lành mạnh là những nguyên nhân cộng thêm khiến tỷ lệ mắc sỏi tiết niệu tăng lên đáng kể. Người ta nhận thấy những người có bất thường bẩm sinh đường tiết niệu, gia đình có người mắc sỏi tiết niệu, đã từng can thiệp đường tiết niệu, bị viêm đường tiết niệu nhiều lần, uống ít nước, đặc biệt là người cao tuổi, nằm bất động lâu ngày, người lao động trong môi trường nóng bức, có thói quen thường xuyên nhịn tiểu đều dễ mắc căn bệnh này.

Bệnh sỏi thận nói chung, sỏi tiết niệu nói riêng có liên quan nhiều đến thói quen uống nước. Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, uống ít nước là nguyên nhân dẫn đến sỏi thận tiết niệu hay chế độ ăn giàu đạm, ăn nhiều thịt đỏ, dùng trà, cà phê cũng là nguyên nhân dẫn đến sỏi. Thói quen ăn xong đi nằm ngay làm cho sự lưu thông, bài tiết nước tiểu kém, tốc độ dòng chảy nước tiểu không đủ mạnh để cuốn đi các chất khoáng có trong nước tiểu, gây lắng đọng hình thành sỏi thận, tiết niệu. Để điều trị bệnh này, nhiều người đã phải uống thuốc, tìm các loại thảo dược mong đẩy được sỏi ra ngoài, thực chất, để đến nỗi phải chữa bệnh tức là đã quá muộn. Tốt nhất ngay từ khi còn trẻ nên ăn uống khoa học để tránh mắc bệnh.

Đối với trẻ nhỏ, cần tập thói quen uống nước thường xuyên, bài tiết nước tiểu tốt thì sẽ cuốn trôi được những chất khoáng cần đào thải, nhưng nếu uống ít nước lại nhịn tiểu sẽ gây tái hấp thu, làm cho các chất đáng lẽ cần thải ra ngoài thì lại lắng đọng, tạo sỏi. Nên giảm ăn muối bởi ăn quá nhiều muối gây tăng đào thải natri, kéo theo các ion canxi cũng tăng tại ống thận. Nồng độ canxi quá cao sẽ tạo điều kiện hình thành các loại sỏi. Không nên ăn quá nhiều đạm động vật vì sẽ làm giảm pH nước tiểu, tăng bài tiết canxi, giảm hấp thu citrate gây nên sỏi. Các thực phẩm chứa nhiều purin như hải sản, nội tạng động vật, thịt xông khói, men làm bánh cũng cần hạn chế bởi một lượng lớn purin trong thực phẩm sẽ làm tăng lượng acid uric trong nước tiểu và dẫn đến sỏi thận acid uric. Nên ăn nhiều rau bởi rau là yếu tố gây kiềm tốt, ít gây lắng đọng để tạo sỏi.

Theo các chuyên gia, để phòng ngừa sỏi thận, nguyên tắc đầu tiên phải đảm bảo bữa ăn đa dạng, trên 15 loại thực phẩm trong 8 nhóm thực phẩm trong một bữa ăn. Chế độ ăn đủ rau có nghĩa phải ăn 300 - 400g rau/người/ngày, không lạm dụng đường vì ăn nhiều đường từ nhỏ, sau này lớn lên có thói quen ăn nhiều đường, dễ gây rối loạn glucose, ảnh hưởng chức năng thận. Tập thói quen vận động thường xuyên từ 30 - 45 phút/ngày và 5 ngày/tuần để giảm cơ hội lắng đọng chất khoáng tạo sỏi thận.

Theo Đời sống
back to top