Một quảng cáo trên trang anphekhang.net dùng ý kiến bệnh nhận để nói loại thực phẩm chức năng An Phế Khang là thuốc.
“Né” báo chí
Để làm rõ những thông tin quảng cáo trái quy định về sản phẩm An Phế Khang, trên trang anphekhang.net, ngày 19/12, PV Khoa học & Đời sống đã liên hệ theo số điện thoại ghi trên trang web là 0901571122 và 0868326289 để đặt lịch làm việc.
Một người phụ nữ nhấc máy và cho biết: “Em chỉ là nhân viên bán hàng. Việc này em sẽ báo cáo sếp và báo lại anh sau”. Tuy nhiên, PV không nhận được thông tin làm việc như đã trao đổi.
Đến ngày 20/12, PV tiếp tục liên hệ lại một trong hai số điện thoại trên để hỏi về việc trả lời báo chí. Vẫn nhân viên bán hàng trên nhấc máy và cho biết: “Em đã báo cáo sếp”… và sau đó PV vẫn không nhận được câu giải thích cho việc quảng cáo trái quy định đối với TPCN.
Đến ngày 21/12, PV tiếp tục gọi đến số điện thoại này để hỏi về lịch làm việc thì nhân viên bán hàng cho biết là “đã báo cáo sếp. Sếp sẽ gọi lại sau”.
Qua trao đổi điện thoại, nhân viên bán hàng xác nhận, trang web anphekhang.net là của Công ty TNHH Mộc Hoa Đường?
Theo thông tin công bố trên website này thì sản phẩm An Phế Khang đã được Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cấp Giấy Xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm số 25847/2017/ATTP-XNCB ngày 31/07/2017 do Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong ký. Như vậy, việc quảng cáo TPCN phải tuân thủ theo các quy định như Thông tư 09/2015/TT-Byt Quy định xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt thuộc quản lý của Bộ Y tế. Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quảng cáo 2012, Luật quảng cáo 2012 như báo Khoa học & Đời sống đã nêu ở bài trước.
An Phế Khang thực chất là thực phẩm chức năng chứ không phải thần dược như lời quảng cáo.
Xử lý quảng cáo sai thế nào?
Theo Luật sư Trần Tuấn Anh, Văn phòng Luật sư Minh Bạch, đoàn Luật sư Hà Nội thì các cơ quan chức năng liên quan cần vào cuộc ngay để ngăn chặn sản phẩm quảng cáo sai sự thật, lừa dối khách hàng ra thị trường.
Luật sư Trần Tuấn Anh cho biết: “Ngoài việc khởi tố hình sự tội lừa dối khách hàng. Cơ quan chức năng – ở đây là Quản lý thị trường, công an điều tra, Cục An toàn thực phẩm cần phối hợp để thu hồi sản phẩm quảng cáo sai sự thật. Những đơn vị này sẽ nắm rõ nhất “đường đi” của thực phẩm chức năng và việc thu hồi sản phẩm lúc này sẽ là rất kịp thời để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài cơ quan quản lý thì đơn vị quảng cáo sai sự thật này cũng có thể tự thu hồi sản phẩm và đây sẽ là tình tiết giảm nhẹ tội khi cơ quan chức năng vào cuộc, khởi tố vụ án”.
Cũng theo Luật sư Tuấn Anh thì phải xem xét việc quảng cáo TPCN không đúng sự thật đã gây ra hậu quả gì chưa? Người tiêu dùng đã mua phải sản phẩm có được bồi thường, trả lại tiền hay không?… Nếu sản phẩm đã ra thị trường thì cần phải khởi tố vụ án hình sự.
Ngoài ra, theo Điểm b, Khoản 5, Điều 51, Nghị định 158/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và quảng cáo thì tuỳ vào tính chất, mức độ mà doanh nghiệp có thể bị xử lý bằng hình thức phạt tiền với giá trị từ 10 – 70 triệu đồng.
Đối với các sản phẩm sữa, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, sản phẩm dinh dưỡng… đơn vị quảng cáo sai có thể phải chịu thêm mức phạt từ 5 – 15 triệu đồng với hành vi quảng cáo sản phẩm không đúng với các tài liệu về an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc công bố hợp quy.
Địa chỉ Công ty TNHH Mộc Hoa Đường không có biển báo và nhân viên hoạt động.
Công ty TNHH Mộc Hoa Đường là Công ty ma?
Ngày 27/12, PV Khoa học & Đời sống tìm đến địa chỉ Công ty TNHH Mộc Hoa Đường tại số 81, ngõ 25, phố Vũ Ngọc Phan, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội theo địa chỉ ghi trên Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, địa chỉ này không có biển công ty theo quy định, ngôi nhà đóng cửa kín mít không có dấu hiệu của nhân viên làm việc. Khi PV gọi cửa cũng không có người đáp lời.
Báo Khoa học & Đời sống sẽ chuyển vụ việc đến các cơ quan chức năng để xử lý.
Cao Sơn