An ninh quốc gia trong thu hút FDI: “Chọn bạn mà chơi”

(khoahocdoisong.vn) - Dù đã có cảnh báo về việc một số quốc gia gắn đầu tư với các hoạt động thu thập thông tin nhạy cảm, tuy nhiên, thời gian qua Việt Nam chưa thật sự chú trọng vấn đề này.

Chưa chú trọng an ninh quốc phòng trong đầu tư

Sau gần 30 năm mở cửa, Việt Nam đã có hơn 23.000 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký trên 300 tỷ USD. Trong đó tổng số vốn thực hiện đạt khoảng 161 tỷ USD. Tuy nhiên, việc thu hút, quản lý và hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn còn những tồn tại, hạn chế và phát sinh nhiều vấn đề về an ninh quốc phòng, trật tự xã hội.

Đáng chú ý là hiện tượng chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Một số doanh nghiệp, dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, đất đai, vi phạm chính sách, pháp luật về lao động, tiền lương, thuế, BHXH, môi trường... 

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư - cho biết, các dự án FDI của Việt Nam có thời kỳ xem nhẹ an ninh quốc phòng, đặc biệt là các dự án trồng rừng, khai thác khoáng sản ở các vùng chiến lược.

Ô nhiễm môi trường, tổn hại tài nguyên là vấn nạn đi kèm của không ít dự án FDI, điển hình là trường hợp lựa chọn giữa “cá” và “thép” của Formosa. Trên thế giới, nước nào cũng gắn đầu tư với hoạt động thu thập, khai thác thông tin từ nước khác, để làm lợi cho quốc gia mình.

Theo Giáo sư Nguyễn Mại, đây là vấn đề không thể coi nhẹ. Câu chuyện Huawei của Trung Quốc bị cáo buộc do thám ở Mỹ là ví dụ điển hình, và không là cáo buộc riêng với tập đoàn này, mà đã thành tranh cãi về an ninh giữa hai quốc gia. Tại Việt Nam, gần nhất là việc chủ doanh nghiệp Công ty TNHH Kai Yang Việt Nam biến mất cùng số nợ hơn 30 tỷ đồng lương và bảo hiểm của hơn 2.000 công nhân. Chính quyền thành phố Hải Phòng đã phải vào cuộc ổn định tư tưởng cho công nhân, cảnh giác với các đối tượng xấu lợi dụng, tuyên truyền, xuyên tạc, kích động công nhân gây rối, làm phức tạp tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội...

Chủ công ty Kangyai bỏ trốn gây những bất ổn cho 2000 công nhân và chính quyền Hải Phòng.

Chủ công ty Kangyai bỏ trốn gây những bất ổn cho 2000 công nhân và chính quyền Hải Phòng.

Sự việc trên cho thấy, những đóng góp của doanh nghiệp FDI chưa tương xứng với những gì họ đạt được ở Việt Nam, nhưng nguy cơ bất ổn về chính trị, an toàn xã hội do doanh nghiệp FDI luôn hiện hữu. Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, hoạt động chuyển giá ở các doanh nghiệp FDI khá phổ biến. Qua việc nâng giá đầu vào, các doanh nghiệp FDI thường xuyên báo lỗ nhiều năm, nhưng vẫn mở rộng sản xuất. Chẳng hạn như vghi vấn Coca Cola chuyển giá đã được Bộ Chính trị cảnh báo từ năm 2005 nhưng đến nay sau 14 năm, luật chống chuyển giá vẫn chưa có...

Bên cạnh đó, tình trạng đối xử không thỏa đáng với người lao động, tuyển dụng ở độ tuổi trẻ và "thải ra" ở độ tuổi hết khả năng ứng tuyển vào công ty khác, nhưng lại không hề có trách nhiệm với người lao động cũng gây những bất ổn.  

Sẽ chủ động thu hút FDI có chọn lọc

Hiện, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thu hút đầu tư từ rất nhiều nước. Để giải quyết mặt trái của thu hút FDI, GS.TS Nguyễn Mại cho rằng cần tăng cường thanh tra, giám sát tránh để xảy ra tình trạng như Formosa. Để tránh tình trạng này, có một cách đơn giản là “chọn bạn mà chơi” - Giáo sư Mại đề nghị. Dẫn chứng là ở châu Á, doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 30 năm mà chưa xảy ra nghi vấn về an ninh quốc phòng.

Theo Giáo sư, hiện nay có thực trạng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc muốn chọn đầu tư sang Việt Nam để tránh khó khăn ở trong nước. Trung Quốc cũng là đối tác. láng giềng quan trọng của Việt Nam. Nhưng cũng như nhiều nhà đầu tư nước ngoài nói chung, Việt Nam phải lựa chọn, không nên cho rằng dự án đầu tư nào của Trung Quốc cũng là có vấn đề. Có những công nghệ của Trung Quốc mà Việt Nam đang rất cần thì nên cấp phép có chọn lọc. Tuy nhiên, những nước có vấn đề biên giới, hải đảo với Việt Nam, thì không thể để họ thực hiện các dự án ảnh hưởng và nguy cơ đến an ninh quốc phòng.

Cầu Nhật Tân - dự án do Nhật Bản đầu tư tài trợ.

Cầu Nhật Tân - dự án do Nhật Bản đầu tư tài trợ.

Do vậy, Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 Bộ Chính trị vừa ban hành ngày 20/8/2019 là rất cần thiết. Bộ Chính trị đã định hướng việc thu hút FDI trong giai đoạn tới là chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Đáng chú ý là Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu bổ sung quy định "điều kiện về quốc phòng, an ninh" trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc các văn bản có giá trị pháp lý tương đương) đối với dự án đầu tư mới và quá trình xem xét, chấp thuận đối với hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp. Xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Bên cạnh đó, Bộ Chính trị nhấn mạnh không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên. Nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng vốn mỏng, chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng".

Hoàn thiện đồng bộ các quy định của pháp luật về đầu tư, chứng khoán và quản lý ngoại hối theo hướng phân định rõ giữa đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp; thống nhất giữa pháp luật doanh nghiệp và quản lý ngoại hối về tài khoản mua bán, chuyển nhượng cổ phần. Có chính sách khuyến khích đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đào tạo, nâng cao kỹ năng, trình độ cho lao động Việt Nam; sử dụng người lao động Việt Nam đã làm việc, tu nghiệp ở các quốc gia tiên tiến.

Theo Đời sống
back to top