Ông bà Đỗ Thị Phương Chi.
Có sức khỏe thì mới vui được
Căn hộ trong khu tập thể Trường ĐH Thủy lợi của gia đình bà Chi ở tầng một được thiết kế rất khéo. Hai căn phòng rộng và thoáng, ở giữa là một khoảng sân rộng lát gạch đỏ. Đây là nơi bà yêu thích nhất trong ngôi nhà, bởi ngoài sân thoáng mát, có cây xanh, có treo rất nhiều tranh ông vẽ, lại có bộ bàn ghế ngồi uống nước. Cái sân rộng này cũng là nơi mỗi tuần 3 buổi, những người bạn trong nhóm khiêu vũ thuộc CLB sức khỏe tâm tình người cao tuổi tới tập.
Trước đây nhóm khiêu vũ phải thuê địa điểm để tập, vừa phải đi lại vất vả mà lại tốn tiền. Thấy nhà mình rộng rãi, bà mời mọi người về tập tại nhà. Tập xong lại ngồi uống nước, trò chuyện, vui vẻ và đầm ấm như người trong nhà. Thế nên có người bảo nghỉ buổi nào là buồn, là nhớ không chịu được.
Trước ông bà đều công tác tại trường ĐH Thủy lợi (ông nguyên là hiệu trưởng). 50 tuổi nghỉ hưu, bà mở cửa hàng thiết kế thời trang, đấy cũng là sở thích, là niềm vui của bà. Nhưng gần đây bà cũng nghỉ, bởi ở tuổi này quan trọng nhất là chăm lo sức khỏe. Việc to việc lớn, cái gì làm được thì đã làm rồi, giờ là lúc phải tập luyện, giữ gìn sức khỏe.
Phương châm sống của bà Chi là ăn ít, làm nhiều, vui chơi thoải mái. Từ trẻ đến giờ lúc nào bà cũng luôn chân luôn tay. Việc nhà bao nhiêu năm nay bà đều tự làm hết. Chỉ có gần đây ông ốm, bà cũng phải phẫu thuật nên mới mượn người giúp.
Bà Chi chia sẻ, phụ nữ mình thường cứ hy sinh cho gia đình cho con cái, nhưng thực ra mình lo giữ sức khỏe cho mình cũng là giúp con cái. Nếu làm gì quá sức mà ốm ra đấy thì các con lại phải vất vả chăm sóc. Thế nên, từ 40 tuổi trở đi, mỗi người cần phải nghĩ đến việc chăm lo cho bản thân. Có sức khỏe thì mới vui được. Mình có vui thì mới khiến mọi người xung quanh vui được.
Tình cảm mới lâu bền
Bà bảo, với người cao tuổi phải giữ cho đầu óc thoải mái, không chấp nhặt, phải biết tự giải phóng cho mình. Không nên bắt ne bắt nẹt người trẻ phải theo những hủ tục, nhưng cũng phải có nguyên tắc, phải giữ những truyền thống trong gia đình. Ví dụ như ngày Tết, ngày giỗ, không bắt buộc các con phải có mặt đông đủ, vì có thể người nọ người kia bận công việc. Nhưng không ngồi ăn được thì ít nhất cũng phải đến thắp nén hương. Điều đó không thể bỏ được. Mình phải giữ thì các con mới theo, các con theo thì mới giữ được cho các cháu.
Nhiều người cứ nói lớp trẻ bây giờ sống Tây lắm, không thể giữ được truyền thống đâu. Tây thì cũng có những cái hay, những cái văn minh mình phải học. Nhưng Tây mà chả biết họ hàng là ai, người hàng xóm bên cạnh mình là ai thì không được. Mình là người Việt Nam, sống trên đất nước Việt Nam thì phải giữ những gì tốt đẹp của mình.
Nhưng cũng cần phải linh hoạt, không cứ nhất nhất phải theo cái cũ. Như ngày rằm, ngày giỗ làm mâm cơm để thắp hương nhưng lại phải thêm nồi lẩu cho con cháu về ăn. Chứ cứ bắt ăn mãi mấy món nem, canh măng… thì chả ai thích. Có bắt thì con cháu cũng phải theo, nhưng đó là theo về lý trí chứ không phải về mặt tình cảm. Mà lý trí thì chỉ có mức độ, cứng nhắc và miễn cưỡng, còn tình cảm mới lâu bền được. Cái gì cũng bắt buộc thì có khi con cháu sợ không dám đến nữa.
Trò chuyện với bà thật thú vị. Dường như không có khoảng cách về tuổi tác, thế hệ. Bởi ở bà có sự thấu hiểu và linh hoạt. Và trên hết là tính lạc quan, là sự hài lòng với cuộc sống của mình. Sự hài lòng tràn ngập khắp căn nhà, nơi bình hoa đang lặng lẽ tỏa hương, trong ánh mắt và nụ cười của ông bà, trong những lời bà kể về các con cháu…
Tuệ Anh