Sỏi mật bao gồm sỏi ở trong túi mật hoặc trong đường mật là một bệnh lý đường tiêu hóa do sự xuất hiện sỏi cholesterol hoặc sỏi sắc tố mật. Ở Việt Nam thường gặp là sỏi đường mật (chiếm 95%) và hay gây viêm đường mật, nhưng gần đây sỏi túi mật có nguy cơ tăng lên do yếu tố đời sống sinh hoạt ăn uống thay đổi.
Nguyên nhân gây ra sỏi mật
Sỏi do cholesterol kết tinh trong dịch mật, khi nồng độ cholesterol trong mật cao, nồng độ muối mật thấp, có sự ứ đọng dịch mật và một số nguyên nhân khác. Do tuổi tác, ăn nhiều thức ăn có hàm lượng cholesterol cao, nhiều chất béo động vật, do sinh đẻ nhiều (phụ nữ), biến chứng từ một số bệnh tiêu hoá như bệnh Crohn, cắt đoạn hồi tràng, do dùng nhiều dược phẩm clofibrate, estrogen...
Sỏi sắc tố mật chủ yếu là canxi bilirubinate, hình thành khi bilirubine tăng hoặc nhiễm virus, nhiễm ký sinh trùng đường mật. Người cao tuổi thường mắc sỏi sắc tố mật. Những người ăn thiếu chất béo và protein, ứ đọng dịch mật, mật nhiễm trùng hoặc nhiễm ký sinh trùng, xơ gan, bệnh tán huyết, thiếu máu Địa Trung Hải, thiếu máu hồng cầu liềm cũng hay mắc bệnh.
Triệu chứng lâm sàng của sỏi đường mật phụ thuộc vào kích thước, tính chất, vị trí sỏi và các triệu chứng kết hợp khác. Sỏi ở túi mật thường không gây cơn đau quặn gan. Do rối loạn bài tiết mật nên cũng gián tiếp ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa của tuyến tụy, bệnh nhân thấy xuất hiện cảm giác đầy tức vùng mạn sườn phải hoặc vùng thượng vị, hoặc thấy nóng rát thượng vị, ợ hơi, ợ chua. Nếu kèm theo viêm nhiễm thì có thể xuất hiện sốt, đau vùng hạ sườn phải, ấn điểm túi mật đau, có thể sờ thấy túi mật. Sỏi nhỏ trong túi mật kích thước 2 - 3mm dễ di chuyển xuống ống mật chủ gây biến chứng vàng da, tắc mật, hoặc biến chứng nguy hiểm viêm tụy cấp có thể tử vong. Sỏi lớn 1 - 2cm gây biến chứng viêm túi mật cấp, có thể hoại tử túi mật.
Sỏi ở ống cổ túi mật thường làm tắc ống túi mật nên gây cơn đau quặn gan, túi mật căng to. Trường hợp bị mạn tính thì túi mật thường giãn, bên trong chứa nhiều dịch lỏng. Nếu bị bội nhiễm thì gây viêm túi mật hoặc mủ túi mật.
Sỏi ống mật chủ thường di chuyển trong ống mật chủ gây tắc mật. Lúc này, ngoài triệu chứng đau quặn gan ra, còn thấy vàng da, viêm đường mật. Khi ứ mật ở ống mật chủ có thể gây viêm mủ đường mật, sốt cao, rét run, vàng da, bạch cầu trong máu tăng, huyết áp hạ, có thể rối loạn ngôn ngữ, hôn mê. Khi sỏi di chuyển vị trí hoặc xuống được hành tá tràng thì vàng da và sốt sẽ giảm. Sỏi khi bị kẹt cũng có thể gây viêm tụy cấp.
Sỏi trong gan thường có màu vàng xanh hoặc dạng sỏi bùn. Trung tâm viên sỏi có thể tìm thấy xác trứng giun. Bệnh nhân mắc bệnh gặp các triệu chứng như sốt, vàng da, sợ lạnh từng đợt, chức năng gan có thể bị tổn thương nhưng chức năng túi mật vẫn bình thường. Biến chứng của sỏi mật tương đối nguy hiểm như viêm mủ đường mật, áp xe gan, xuất huyết đường mật.
Trong trường hợp sỏi di chuyển ở đường mật sẽ gây cảm giác bứt rứt. Do cơ trơn của túi mật hoặc ống mật chủ giãn hay co thắt để tống sỏi nên có thể gây cơn đau quặn gan. Cơn đau quặn gan thường xảy ra sau khi ăn hoặc ăn nhiều chất béo hoặc bị chấn thương vùng bụng. Vị trí đau thường ở mạn sườn hoặc vùng bụng trên. Cơn đau dữ dội làm bệnh nhân đứng ngồi không yên, ra mồ hôi nhiều, sắc mặt trắng bệch, buồn nôn và nôn. Thời gian cơn đau ngắn, ít khi vượt quá vài giờ. Khi sỏi di chuyển lại về túi mật hoặc xuống tá tràng thì hết đau, có lúc do giãn cục bộ đường mật thì đau cũng giảm.
Phòng ngừa nguy cơ sỏi mật
- Không bỏ bữa. Bỏ bữa hoặc nhịn ăn có thể làm tăng nguy cơ sỏi mật.
- Nên giảm cân từ từ. Nếu cần giảm cân, hãy giảm chậm. Chỉ nên đặt mục tiêu giảm khoảng 0,5 - 1kg mỗi tuần.
- Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, bao gồm trái cây, rau và ngũ cốc. Hạn chế đồ ăn nhiều cholesterol như lòng đỏ trứng, tiết canh, nội tạng động vật.
- Ăn uống, ở sạch sẽ, vệ sinh, tránh nhiễm giun sán, kí sinh trùng. Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Béo phì và thừa cân làm tăng nguy cơ sỏi mật. Làm việc để đạt được trọng lượng khỏe mạnh bằng cách giảm số lượng calo ăn và tăng số lượng hoạt động thể chất. Khi đạt được cân nặng khỏe mạnh, nên tiếp tục chế độ ăn uống lành mạnh và tiếp tục tập thể dục.
BS Trần Kiên Quyết (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn)