Ấn Độ từng có loại siro khác liên quan hàng loạt ca tử vong

Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về mối liên hệ giữa siro ho của Ấn Độ với bệnh suy thận cấp tính dẫn đến cái chết của 69 trẻ em Gambia, chính quyền Ấn Độ đã đóng cửa một nhà máy sản xuất loại thuốc này.

Việc sản xuất của nhà máy bị đình chỉ sau khi các cơ quan quản lý thuốc của tiểu bang và liên bang phát hiện ra 12 vi phạm.

Phân tích trong phòng thí nghiệm của WHO ghi nhận, siro ho của Ấn Độ chứa "lượng diethylene glycol và ethylene glycol không thể chấp nhận". Đó là các hóa chất thường được sử dụng trong công nghiệp.

Đây không chỉ là sự cố xảy ra một lần. Trong quá khứ, siro ho có liên quan đến các vụ ngộ độc hàng loạt khác của trẻ em ở Ấn Độ.

Ấn Độ xuất khẩu thuốc sang hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngành dược đem về doanh thu lên tới 50 tỷ USD. Nhưng nhiều người chỉ trích cơ quan chức năng chưa giám sát nghiêm ngặt, có thể dẫn đến các vi phạm nguy hiểm.

Đó là lập luận được nhà hoạt động sức khỏe cộng đồng Dinesh S. Thakur và luật sư Prashant Reddy T. đưa ra trong cuốn sách mới của họ.

Vào năm 2016, họ đã gửi những lo ngại của mình về việc sản xuất thuốc lên Tòa án Tối cao Ấn Độ. Trong một cuộc phỏng vấn với NPR, nhà hoạt động sức khỏe cộng đồng Thakur thảo luận về ngành công nghiệp dược phẩm của Ấn Độ.

Ông Thakur chia sẻ: “Trong cuốn sách Viên thuốc sự thật (The Truth Pill), chúng tôi kể lại việc trẻ em bị ngộ độc hàng loạt do siro nhiễm diethylene glycol trở nên thường xuyên như thế nào. Ở Ấn Độ, đã có 5 vụ như vậy. Năm 1972 ở Madras (nay gọi là Chennai) có 15 trẻ em tử vong, năm 1986 ở Mumbai (14 trẻ), năm 1988 ở Bihar (11 trẻ), năm 1998 ở Gurgaon (33 trẻ), năm 2019 ở Jammu (11 trẻ)".

Ông Thakur đã gửi kiến nghị lên Bộ Y tế sau thảm kịch Jammu. Theo đó, ông yêu cầu một cuộc điều tra minh bạch và kịp thời để có thể ngăn chặn các vụ ngộ độc hàng loạt.

Theo Đời sống
back to top