<div> <div id="divfirst"> <div> <figure class="image" style="display:inline-block"><img alt="Chú thích ảnh" src="https://khds.1cdn.vn/2021/02/11/cdnmedia-baotintuc-vn_rut-quan-110221.jpg" /> <figcaption>Xe quân sự di chuyển tới khu vực ở Ladakh, nơi có Đường kiểm soát thực tế (LAC) phân giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Ảnh tư liệu: Reuters/TTXVN</figcaption> </figure> </div> <p>Phát biểu tại quốc hội ngày 11/2, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cho biết hai bên đã đạt được thỏa thuận sau vài vòng đàm phán giữa các tướng lĩnh quân đội cũng như các nhà ngoại giao. Ông nêu rõ: "Các cuộc đàm phán liên tục của chúng tôi với Trung Quốc đã giúp tạo ra một thỏa thuận về việc rút quân ở bờ Bắc và bờ Nam hồ Pangong".</p> <p>Trước đó, phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn tờ The Indian Express cho biết các chỉ huy Ấn Độ và Trung Quốc ở bờ Bắc và bờ Nam của hồ Pangong tại khu vực Đông Ladakh đã gặp nhau trong các ngày 9 và 10/2 để chuẩn bị cho những bước đi đầu tiên hướng tới việc rút quân.</p> <p>Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 10/2 cũng thông báo các lực lượng hai nước tại các vị trí trên đã bắt đầu "rút quân một cách đồng bộ và có tổ chức", phù hợp với thỏa thuận đạt được giữa các tư lệnh quân đoàn khi họ gặp nhau lần gần nhất vào ngày 24/1. Động thái này dường như báo hiệu bước đột phá quan trọng đầu tiên trong các cuộc đàm phán nhằm giải quyết tình trạng bế tắc quân sự kéo dài 9 tháng qua dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở Đông Ladakh.</p> </div> <div id="divend"> <p>Ngoài bờ Bắc và bờ Nam của hồ Pangong, các điểm xung đột khác giữa hai nước tại Đông Ladakh bao gồm PP15 ở Hot Springs, PP17A ở Gogra Post, PP14 ở Thung lũng Galwan và Đồng bằng Depsang ở xa về phía Bắc nơi quân đội Trung Quốc từng chặn binh lính Ấn Độ tại một địa điểm được gọi là Bottleneck (Nút thắt cổ chai), ngăn họ tiếp cận các điểm tuần tra truyền thống.</p> <p>Căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã leo thang trở lại hồi đầu tháng 5 năm ngoái trong bối cảnh hai bên đã tăng cường thêm hàng nghìn binh sĩ và nhiều vũ khí hạng nặng tại biên giới.<br /> Suốt hơn 80 năm qua, hai nước vẫn luôn mâu thuẫn về tuyến biên giới dài gần 3.500 km dọc dãy Himalaya và đụng độ vẫn thường xảy ra do các tuyên bố chồng lấn. Hơn 20 vòng đàm phán vẫn chưa thể đưa hai quốc gia đông dân nhất thế giới này đến đồng thuận về vấn đề biên giới.</p> </div> </div> <p> </p>