Nhiều người lo lắng quá đến mức quá kiêng khem dẫn đến cơ thể bị thiếu hụt chất dinh dưỡng. Vậy cần lựa chọn thức ăn thế nào cho phù hợp?
Thức ăn giàu chất xơ là lựa chọn hàng đầu
Đây là nhóm thức ăn được khuyến cáo cần thiết sử dụng cho nhiều bệnh mạn tính đang có xu hướng gia tăng như tim mạch, tăng huyết áp, vữa xơ động mạch, đái tháo đường, béo phì, rối loạn lipid... Tất cả các chế độ điều trị không dùng thuốc cho những bệnh nhân này đều đề cập đến dinh dưỡng giàu chất xơ. Trong đó các chuyên gia cũng chú trọng nhiều hơn đến chất xơ có trong sản phẩm tự nhiên hơn là chất xơ có trong các thức ăn chế biến sẵn.
Rau quả tươi, nhất là những rau màu xanh thẫm như cải xanh, súp lơ... đều giàu chất xơ. Bên cạnh đó, cam, quýt, vỏ cám của hạt gạo, hạt đại mạch, ngô, hạt lạc, các loại đậu và một số loại quả khác rất giàu chất xơ hòa tan - khi đi qua ruột sẽ tạo ra thể đông làm chậm quá trình hấp thu một số chất dinh dưỡng vào máu và cũng làm tăng độ xốp, mềm của bã thải tiêu hóa.
Không chỉ có tác dụng ngăn chặn tăng đường huyết sau ăn, ổn định huyết áp, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, kiểm soát cholesterol, triglycerid... mà chất xơ còn vô cùng quan trọng cho người mắc các bệnh đường tiêu hóa như táo bón, trĩ, dự phòng ung thư đại tràng.
Với người Việt Nam, để có đủ chất xơ trong một ngày, mỗi người cần ăn tối thiểu 300g rau xanh và 100g quả tươi.
Phòng ngừa và chữa trị táo bón qua thực phẩm
Ngoài chất xơ, các thực phẩm có tác dụng phòng chống táo bón là nhóm thức ăn có bổ sung vi sinh vật sống có lợi cho cơ thể, làm cân bằng vi khuẩn đường ruột, tăng cường miễn dịch ở niêm mạc ruột và miễn dịch hệ thống, cải thiện dinh dưỡng, giảm nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, tiêu cabonhydrat, chống táo bón, chống dị ứng, giảm cholesterol máu, chống sinh u, tăng hấp thụ canxi, tăng cường sự tổng hợp vitamin do vi khuẩn đường ruột.
Bình thường, đường ruột của cơ thể có trên 400 chủng vi khuẩn sinh sống, tạo ra một hệ vi khuẩn ruột. Hệ vi khuẩn ruột có thể chia thành hai nhóm: nhóm vi khuẩn có lợi, làm tăng cường sức khỏe và nhóm vi khuẩn có thể gây bệnh. Bình thường, nhóm vi khuẩn có lợi chiếm ưu thế, chiếm đa số, có từ 106-1.010 vi khuẩn/gam phân, còn nhóm vi khuẩn gây bệnh là nhóm thiểu số, chỉ có dưới 106 vi khuẩn/gam phân.
Một khi nhóm vi khuẩn gây bệnh chiếm ưu thế hơn nhóm vi khuẩn có lợi thì sẽ gây bệnh cho cơ thể. Vi khuẩn có lợi chính ở hệ vi khuẩn ruột là Lactobacilli và Bifidobacteria. Các vi khuẩn có lợi cho sức khỏe có chức năng cạnh tranh không cho vi khuẩn gây bệnh định cư ở đường ruột, kích thích miễn dịch chống nhiễm trùng, giúp tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, tổng hợp một số vitamin nhóm B và vitamin K. Sữa chua là một loại đồ ăn có chứa Lactobacillus.
Bổ sung các vi chất
Hiện là nhóm thức ăn chức năng phổ biến nhất. Việc bổ sung vi chất có tính toàn cầu như bổ sung iốt, sắt, vitamin A vào thực phẩm đã có tác dụng phòng được các bệnh bướu cổ, thiếu máu thiếu sắt, nguy cơ mù lòa do thiếu vitamin A. Nhiều quốc gia đã có chủ trương bổ sung iốt vào muối ăn, sắt vào gia vị, vitamin A vào đường.
Thức ăn được bổ sung vitamin, khoáng chất nhiều là bột mì, gạo, muối, bột trẻ em, sữa, nước uống, gia vị, đường. Nước trái cây là thức uống được khuyến nghị bổ sung các nhu cầu về vitamin C, E, beta-caroten. Sữa có bổ sung acid folic, vitamin và khoáng chất cho phụ nữ có thai cũng được sử dụng ở nhiều nước. Thực phẩm có bổ sung canxi, vitamin D cho người già, phụ nữ mãn kinh đề phòng loãng xương.
Tìm kiếm acid béo thiết yếu
DHA (Docosaheaenoic Acid) và ARA (Arachidonic Acid) là những thành phần acid béo thiết yếu, có nhiều trong dầu thực vật, dầu cá, dầu đầu nành, là thành phần quan trọng của màng tế bào, thành phần quan trọng của não và võng mạc. Đây là những acid béo rất cần thiết cho sức khỏe con người, đặc biệt là người già và trẻ em.
Bên cạnh đó, việc bảo đảm sức khỏe không chỉ có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học mà còn phải có sự kết hợp tập luyện thân thể hằng ngày và một tinh thần thoải mái.
BS. Bùi Thị Thu Hương