Đậu đỗ tốt cho người ăn chay.
Ăn chay là không ăn các thức ăn có nguồn gốc từ động vật, chỉ ăn các lọai thức ăn có nguồn gốc từ thực vật như: rau, trái cây, đậu đỗ, lạc vừng, ngũ cốc. Có rất nhiều kiểu ăn chay như ăn chay tuyệt đối. Chỉ ăn rau, trái cây, ngũ cốc , đậu đỗ, kiêng hẳn các thức ăn từ động vật.
Ăn chay không tuyệt đối là vẫn ăn trứng, sữa và các sản phẩm của sữa như bơ, pho mát. Ăn chay bán phần chỉ kiêng thịt còn vẫn ăn cá, thủy hải sản, hoặc chỉ kiêng thịt đỏ( thịt bò, lợn), thỉnh thoảng vẫn ăn thịt gia cầm.
Ăn chay giảm nhiều bệnh
Người ăn chay ít có nguy cơ thừa cân – béo phì cho nên ít mắc các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, sỏi mật , xương khớp, ung thư …Do ăn nhiều rau quả có chứa kali – một trong những yếu tố làm giảm huyết áp, nên ăn chay có tác dụng đối với người cao huyết áp. Người ăn chay không ăn thịt và mỡ động vật nên ít có nguy cơ bị xơ vữa động mạch, không bị tăng mỡ máu.
Người ăn chay thải canxi, oxalat, axit uric ra nước tiểu ít hơn người không ăn chay, do đó ít bị sỏi thận hơn. Do thức ăn chay chứa nhiều chất xơ, chất có khả năng chống ôxy hóa, ít chất béo nên có khả năng ngăn ngừa ung thư. Ăn chay giúp giảm các bệnh về xương khớp, nhất là bệnh loãng xương vì thức ăn chay chủ yếu cung cấp chất đạm là đậu tương, một số rau quả khác có chứa nhiếu ostrogen thực vật, có tác dụng phòng ngừa loãng xương.
Dễ thiếu một số chất
Mặc dù ăn chay giảm được nhiều bệnh tật nhưng không phải cứ ăn chay là tốt. Đối với trẻ em, ăn chay có thể làm trẻ chậm lớn, thiếu máu, ảnh hưởng tới sự tăng trưởng (thức ăn thực vật thiếu một số axit amin cần thiết mà cơ thể không tự tổng hợp được).
Ăn chay có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu vitamin B12 (vitamin này chỉ có trong thịt và các thức ăn nguồn gốc động vật), thiếu sắt, đồng, kẽm…vì các vi chất này chỉ có nhiều trong thức ăn nguồn gốc động vật, trong thức ăn thực vật cũng có sắt, kẽm nhưng giá trị sinh học không cao và rất khó hấp thu. Với bà mẹ mang thai, ăn chay thường không tăng cân, dễ bị thiếu máu, sinh con nhẹ cân, đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai.
Người nào nên và không nên ăn chay?
Người thừa cân– béo phì hoặc có nguy cơ bị thừa cân – béo phì nên chuyển sang ăn chay kết hợp hoạt động thể lực, hướng tới việc tập yoga, thiền. Người bị bệnh tim mạch (tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ máu) nên ăn chay.
Người bị loãng xương hoặc có nguy cơ bị loãng xương, nhất là phụ nữa tuổi từ 40 trở lên nên ăn chay và ăn tăng các loại đạm từ đậu đỗ. Người suy thận, sỏi thận, người từ 60 trở lên đối với nam, 45 tuổi đối với nữ nên chuyển dần sang các hình thức ăn chay phù hợp.
Tuy nhiên, trẻ em duới 18 tuổi – độ tuổi đang tăng trưởng thì không nên ăn chay. Phụ nữ có thai, cho con bú cần đủ dinh dưỡng cho mẹ và con cũng không nên ăn chay. Người gầy yếu, suy dinh dưỡng, thiếu máu tuyệt đối không ăn chay.
Nam giới tuổi dưới 50 – 60 không nên ăn chay vì trong chế độ ăn chay, chất đạm chủ yếu là từ đậu tương thay thế đạm động vật mà trong đậu tương hàm lượng ostrgen thực vật cao, đây là nội tiết tố cho nữ giới, do đó phần nào ảnh hưởng đến nam tính, chính vì vậy những người tu hành thường ăn chay để giảm bớt nhu cầu về tình dục.
Nói như vậy cũng không có nghĩa là nam giới không được ăn đậu phụ hoặc các sản phẩm chế biến từ đậu tương mà chỉ không nên ăn quá nhiều như người ăn chay tuyệt đối.
ThS.BS Lê thị Hải
(nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng,
Viện Dinh dưỡng Quốc gia)